Nhiều cán bộ của trường nghi ngờ có sự móc nối giữa Tổ công tác và ứng cử viên Trần Thọ Đạt (phó hiệu trưởng trường ĐH KTQD).
Cán bộ chủ trì cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm vào ngày 25/04/2013 là ông Bùi Mạnh Nhị (vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo), tổ trưởng tổ công tác của bộ và GS.TS Phan Công Nghĩa (phó hiệu trưởng trường ĐHKTQD) là tổ trưởng tổ công tác của trường.
Hàng loạt những sai phạm
Theo đúng lịch trình, hội nghị cán bộ chủ chốt mở rộng buổi sáng 25/4 để lấy thư giới thiệu. Kết quả này sẽ được báo cáo lên hội nghị liên tịch Đảng ủy - Ban Giám hiệu để chọn ra danh sách ứng viên rút gọn. Buổi chiều, hội nghị sẽ lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng. Và tối cùng ngày, Đảng ủy bỏ phiếu giới thiệu hiệu trưởng để trình Bộ quyết định bổ nhiệm. Tuy nhiên, ngay sáng hôm đó, nhiều cán bộ trong trường bị “sốc” nặng khi ông Bùi Mạnh Nhị đột ngột tuyên bố rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tạm hoãn để các ứng viên có thời gian chuẩn bị và xem xét, làm rõ một số vấn đề do các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu. Và việc lấy phiếu tín nhiệm có thể sẽ tiến hành vào sau dịp nghỉ 5 ngày lễ.
“Bầu hiệu trưởng của một trường đại học lớn hàng đầu Việt Nam chứ có phải trò chơi ú tim của lũ con nít. Họ ra quyết định hoàn toàn trái với những nguyên tắc cơ bản trong quá trình bình bầu. Không thể có chuyện thích tổ chức hội nghị là tổ chức, và hủy đi là hủy. Không biết có động cơ gì đằng sau, nhưng đây là cách làm tùy tiện, thiếu tinh thần trách nhiệm. Chuyện càng khó hiểu hơn khi một số tờ báo đã phanh phui một số sai phạm liên quan đến ứng viên Trần Thọ Đạt. Và Bộ chưa làm rõ mà vẫn cho tiến hành lấy thư giới thiệu”, vài cán bộ có mặt trong hội nghị hôm đó cho hay.
Hơn nữa, trong cái cuộc họp được gọi là hội nghị lấy thư giới thiệu do Bộ và Lãnh đạo nhà trường tổ chức này xuất hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Khi tiến hành phát phiếu và bỏ phiếu, một cảnh lộn xộn, bát nháo, hỗn loạn. Người phát thư cứ phát, người bỏ phiếu cứ bỏ. Thậm chí, có người đã bỏ thư và ra về nhưng nhiều người còn chưa nhận được thư, chạy toán loạn trong hội trường.
Và kỳ lạ hơn, Tổ công tác không công khai thông báo tổng số thư có đóng dấu của bộ được mang xuống, có niêm phong hay không, tổng số thư còn lại sau khi phát ra.
“Tôi mệt mỏi vô cùng, chẳng có nguyên tắc bầu cử nào như ở trường này. Ngay khi bước vào phòng chúng tôi đã bị bắt ngồi đúng chỗ đã định. Nhốn nháo quá, thấy mấy đồng nghiệp đi bỏ phiếu rồi mà cả bàn tôi chưa ai có phiếu để viết. Lạ thật!”, một cán bộ buồn bã cho biết.
Mập mờ gian lận đánh lận con đen
Điều làm tất cả cán bộ trong hội nghị thấy choáng váng là: Không biết từ đâu, một tệp văn bản thông báo không số (đóng dấu treo) để ngày 24/4/2013 trên cơ sở Báo cáo số 458-BC/KTQD ngày 27/5/2009 “về việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ năm 2009” bất ngờ được Tổ công tác phát cho các đại biểu dự hội nghị.
GS.TS Trần Thọ Đạt (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Nam (ngoài cùng bên phải) trong một cuộc họp.
Và trong văn bản “từ trên trời rơi xuống” đó, nghiễm nhiên ông Trần Thọ Đạt đã được mặc định phần thắng để trở thành Hiệu trưởng trường ĐH KTQD. Một cán bộ trong trường cười cho biết: “Lố bịch thật! Họ không được phép phát cái thông báo vớ vẩn đó. Nó chẳng khác tuyên truyền đơn. Mà nếu cứ theo cái thông báo đó thì cần gì phải bình bầu. Như kiểu “ông giời” sắp đặt và ép đại biểu phải chọn ông Trần Thọ Đạt, không được bầu cho ông Phạm Quang Trung hay ông Bùi Anh Tuấn”.
Một giáo sư, thành viên Tổ công tác của trường cho phóng viên biết: "Hoàn toàn bất ngờ với việc phát hành tài liệu “Báo cáo kết quả quy hoạch hiệu trưởng năm 2009”. Tổ trưởng tổ công tác của trường không hề biết. Và tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Bộ với Đảng ủy nhà trường thì cuộc họp không có chủ trương này, mà chỉ giao cho đồng chí phó bí thư thường trực nhà trường Nguyễn Viết Lâm đọc thông báo quy hoạch hiệu trưởng năm 2009.
Như vậy có sự sắp đặt, dùng xảo thuật để hạ uy tín của ông Phạm Quang Trung. Vì trong tập Báo cáo này, số phiếu giới thiệu bước 1, bước 2 của ông Phạm Quang Trung thấp hơn nhiều so với ông Trần Thọ Đạt. Mà thực chất đây là bản báo cáo quá cũ (từ năm 2009). Trong khi đó trong năm 2010, uy tín của ông Phạm Quang Trung đã vượt xa ông Trần Thọ Đạt. Minh chứng là trong đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ 26 được tổ chức vào tháng 5.2010 ông Trung đạt số phiếu bầu rất cao: 112/132 phiếu bầu. Trong khi đó ông Đạt chỉ dành được 68/132 phiếu bầu."
“Ông Bùi Mạnh Nhị, vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục & Đào tạo và GS.TS Phan Công Nghĩa (phó hiệu trưởng trường ĐHKTQD) là những người nhiều năm làm công tác tổ chức. Có kinh nghiệm trong việc này, nhưng ngay đến việc ai có mặt hay ai vắng mặt họ cũng chẳng thèm quan tâm hay thông báo cho các đại biểu. Bỏ phiếu như kiểu “láo nháo pháo ăn xe", một đại biểu, trưởng bộ môn trong trường cho biết.
Nghiêm trọng hơn, những người tổ chức hội nghị không hề đả động gì đến số lượng phiếu phát ra là bao nhiêu. Và cũng chẳng có một lời nào thông báo về tính hợp lệ của các lá phiếu.
“Họ phát phiếu nhưng chẳng ai hướng dẫn chúng tôi viết thế nào cho đúng và hợp lệ. Nháo nhào viết bừa cho qua. Mà kỳ lạ có đồng nghiệp bên cạnh được nhập 2 lần thư mà không thấy ký vào danh sách đã lấy. Nếu thế thì làm sao có sự minh bạch. Hơn nữa họ cũng chẳng thông báo lượng phiếu bao nhiêu để chúng tôi biết ai sẽ được đề cử làm tân hiệu trưởng của trường”, một nữ cán bộ cho biết.
Với những gì đã và đang diễn ra, một số cán bộ Đại học Kinh tế Quốc dân hoài nghi về sự bao che, móc nối giữa ông Bùi Mạnh Nhị và bộ ba các ông Nguyễn Văn Nam – Trần Thọ Đạt – Nguyễn Đức Hiển. (Còn nữa)
Tuấn Nghĩa