Với việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra, những hành vi thao túng, lũng đoạn của Nguyễn Đức Kiên với thị trường tài chính ngân hàng nói chung và Ngân hàng ACB nói riêng đã được làm rõ.
“Quyền lực” của Nguyễn Đức Kiên được chính ông Trần Xuân Giá – nguyên là chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thừa nhận trước cơ quan điều tra.
Là chủ tịch Hội đồng quản trị - "danh chính ngôn thuận" thì ông Giá được xem là người có vị trí cao nhất tại Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, ông cũng như các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc chỉ là “con rối” trong tay “bầu” Kiên.
Theo ông Giá thì từ năm 2008, mặc dù Nguyễn Đức Kiên không tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB nhưng vẫn là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định nhiều hoạt động của Ngân hàng ACB. Thực tế, các ý kiến của Nguyễn Đức Kiên trong các cuộc họp hội đồng quản trị sau đó đều trở thành nghị quyết.
Để tạo áp lực đối với các thành viên thường trực Hội đồng quản trị, trong các cuộc họp, ông Kiên thường nói: “Hiện tôi không tham gia gì trong Hội đồng quản trị, tôi nói nhăng nói cuội gì các anh nghe hay không nghe thì tùy, nhưng tôi có quyền cách chức các anh.
Khi mất lòng, “bầu” Kiên còn đe: “Vai trò tư vấn của tôi, thành viên hội đồng sáng lập đã được quy định trong quy chế hoạt động của hội đồng sáng lập, tôi nói muốn nghe thì nghe, không nghe thì thôi. Nhưng với tư cách cổ đông lớn, tôi có quyền triệu tập đại hội cổ đông bất thường và cách chức các anh ra khỏi thành viên Hội đồng quản trị”.
Do Nguyễn Đức Kiên là cổ đông lớn của Ngân hàng ACB, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của Ngân hàng ACB trong một thời gian dài nên phát biểu của ông ta đã tạo áp lực làm cho mọi người ngầm hiểu là không thực hiện theo ý của “bầu” Kiên là không được. Vì vậy, các ý kiến của ông Kiên trong các cuộc họp Hội đồng quản trị sau đó đều thành nghị quyết của Ngân hàng ACB.
Ông Trần Xuân Giá, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB khai trước cơ quan công an: Ngày 22/3/2010, Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB dùng tiền và USD gửi vào các tổ chức tín dụng.
Trong cuộc họp này có một số ý kiến, trong đó có ông Trần Mộng Hùng đề nghị giảm bớt lãi suất huy động đê giảm số tiền huy động của dân, vì thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi.
Tuy nhiên, Nguyễn Đức Kiên đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách gạt phắt đi, không đồng ý với ý kiến này mà nói “Làm gì thì làm, không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB”.
Sau đó Lý Xuân Hải – tổng giám đốc phải xoa dịu “bầu” Kiên bằng cách đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi USD và tiền vào các tổ chức tín dụng. Phương án này được thường trực hội đồng quản trị thông quan, giao cho tổng giám đốc thực hiện. Chính ý tưởng “làm vui lòng anh Kiên” này đã đẩy tổng giám đốc Lý Xuân Hải vào vòng lao lý sau đó.
Chủ trương không được giảm tổng tài sản của ACB là ý kiến xuyên suốt của Nguyễn Đức Kiên trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ngân hàng ACB từ trước tới nay. Chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS mua cổ phiếu của ACB là do Nguyễn Đức Kiên đề xuất và đương nhiên được thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đồng ý thông qua.
Thường trực Hội đồng quản trị còn ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp thực hiện việc đầu tư.
Mặc dù từ năm 2008, Nguyễn Đức Kiên đã rút khỏi Hội đồng quản trị và ban điều hành nhưng để duy trì quyền lực, ông ta đề xuất thành lập Hội đồng sáng lập như một “đại hội cổ đông thu nhỏ”. Động thái này giúp Kiên có mặt và áp đặt ảnh hưởng trong các cuộc họp của hội đồng quản trị, thường trực hội đồng quản trị và ban điều hành.
Tuy có quyền lực gần như tuyệt đối ở Ngân hàng ACB nhưng khi ra thương trường, Nguyễn Đức Kiên lại gặp đúng một “siêu lừa” khác là Huỳnh Thị Huyền Như. Số tiền gần 719 tỷ đồng mà Kiên chỉ đạo nhân viên Ngân hàng ACB mang đi gửi bên ngoài đã bị chính Huỳnh Thị Huyền Như lừa mất.
Theo PetroTimes/Dân trí