Đêm 29/5, hơn 800 người dân ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã vây đoàn ca nhạc và ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim yêu cầu trả lại tiền vé, vì chương trình không giống như quảng cáo ban đầu. Đây không phải là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra.
Muôn kiểu mượn danh nghệ sĩ lừa khán giả
Ngày 31/5, cơ quan CSĐT công an huyện Thăng Bình cho biết, cơ quan đã làm việc với ca sĩ và những người liên quan sau sự việc chương trình biểu diễn không đúng như quảng cáo. Theo đó, chương trình ca nhạc do DNTN Bảo Huy Hân (trụ sở tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tổ chức, có treo băng rôn quảng cáo cho chương trình ca nhạc "Ca nhạc đặc biệt liveshow teen vọng cổ". Băng rôn giới thiệu có sự tham gia của ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim, Minh Hằng, Hồ Quang Hiếu, Bảo Thy, Phi Hùng, cùng một số nghệ sĩ xiếc, hài được tổ chức tại nhà hàng hoa viên Đức Phú (ngay trung tâm thị trấn Hà Lam). Giá vé của chương trình là 50.000 đồng dành cho người lớn, 35.000 đồng dành cho trẻ em, giá ghế ngồi là 10.000 đồng.
Khán giả vây quầy bán vé của TT Văn hóa thông tin tỉnh Bến Tre. (Ảnh internet).
Theo một số khán giả tại đây cho biết, do băng rôn quảng cáo có tên một số ca sĩ nổi tiếng, được nhiều người mến mộ nên rất đông người dân tại thị trấn Hà Lam đã mua vé đi xem. Tuy nhiên, ban đầu chương trình đưa các ca sĩ lạ hoắc lên hát nên người dân la ó, phản đối, thì được ban tổ chức cho biết ca sĩ nổi tiếng sẽ đến sau. Tới khoảng 22h, sau khi ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim hát xong ba bài, thì ban tổ chức tuyên bố kết thúc chương trình, mà không có thêm ca sĩ nổi tiếng nào lên hát như quảng cáo. Nên không để ban tổ chức nói hết câu, hàng trăm khán giả đã bao vây, ném đá vào đoàn ca nhạc và ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim. Trong cuộc hỗn loạn này, quản lý đoàn đã kịp thời bỏ trốn. Sự việc chỉ kết thúc khi công an huyện Thăng Bình vào cuộc can thiệp, và giải tán mọi người.
Trước đó, ngày 15/12/2012 tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bến Tre tổ chức đêm văn nghệ mừng năm mới với chủ đề "Đỉnh cao âm nhạc - Giải trí Việt xuyên đất Việt". Chương trình do công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật Thanh Phong (TP.HCM) tổ chức, đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cấp phép, thu hút hàng ngàn người mua vé vào xem. Trên tờ rơi, Ban tổ chức giới thiệu chương trình quy tụ hơn chục nghệ sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Hoài Linh, Cẩm Ly,... với giá vé từ 60.000 - 80.000 đồng/người.
Tuy nhiên, trước giờ mở màn, người dẫn chương trình thông báo Cẩm Ly, Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng và một số ca sĩ nổi tiếng khác không kịp xuống Bến Tre nên hẹn lần sau. Ngay lập tức khán giả không đồng ý, nhốn nháo đòi lại tiền, nhưng người bán vé đã trốn mất. Quá bức xúc, khán giả la ó, đập phá tan hoang sân khấu. Buổi biểu diễn ca nhạc chưa kịp bắt đầu đã phải kết thúc trong sự bức xúc vì bị lừa của người dân, còn bầu sô thì đã "cao chạy xa bay"...
Công tác quản lý văn hóa còn lỏng lẻo
Ngay sau sự việc ở Bến Tre, ông Huỳnh Thanh Phong, giám đốc công ty TNHH Biểu diễn nghệ thuật Thanh Phong cho biết, đã có văn bản giải trình gửi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre. Theo đó, tất cả giấy tờ mà ông bầu Nguyễn Minh Tuấn cung cấp cho Sở có thể do bộ phận ngoại vụ của công ty làm thất lạc. Theo ông Phong, đơn xin phép biểu diễn có ký tên đóng dấu của công ty có dấu hiệu tẩy xóa, có thể là tờ đơn công ty Thanh Phong đã nộp cho một tỉnh nào đó, ông Tuấn lấy lại rồi tẩy xóa, chỉnh sửa mang đi lừa gạt. Trong khi đó, đại diện của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre cho biết, cơ quan này cũng là "nạn nhân" của ông Nguyễn Minh Tuấn. Trung tâm này không liên kết tổ chức biểu diễn ca nhạc với công ty Thanh Phong, mà chỉ cho người có giấy phép biểu diễn nghệ thuật là ông Nguyễn Minh Tuấn thuê sân bãi, bảo vệ, điện nước... với giá 7 triệu đồng.
Ông Võ Quang Tự, phó phòng Văn hóa thông tin huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Đơn vị biểu diễn cũng có trình bày đầy đủ nội dung bài hát và ca sĩ trình diễn nên chúng tôi đã giới thiệu về UBND thị trấn Hà Lam để liên hệ biểu diễn, riêng giá vé và ghế ngồi thì chúng tôi không rõ". Ông Tự cũng cho biết vào đêm xảy ra sự việc, phòng văn hóa thông tin huyện không cử cán bộ nào theo dõi chương trình. Chuyện bầu sô lừa đảo khán giả bằng chiêu mượn danh nghệ sĩ đã gây ra nhiều bất bình trong dư luận, cũng như những nghệ sĩ bị lợi dụng tên tuổi".
Băng rôn quảng cáo chương trình "Đỉnh cao âm nhạc - Giải trí Việt xuyên đất Việt" (Ảnh internet).
Ông N.T.M., một bầu sô ca nhạc có tiếng tại các tỉnh phía Nam cho biết: "Khi đứng ra tổ chức show phải nói nghề này nhiều phen thót tim lắm. Có người hôm trước nhận show thì hôm sau lấy nhiều lý do để hủy show, có người chỉ vì có những nơi trả cát xê cao hơn mà bán rẻ tên tuổi của mình, nhưng cũng có trường hợp ca sĩ có lý do ở xa về không kịp, khi thì hát không được vì lý do sức khỏe. Cũng còn tùy vào đạo đức của mỗi ca sĩ nữa, với những người như thế thì tôi không bao giờ mời. Khi ca sĩ vắng mặt thì bầu show phải làm nhiệm vụ là chữa cháy chương trình, nhờ ca sĩ hát thêm bài, chứ cũng không biết nói sao với khán giả vì tiền đã lấy rồi, mời ca sĩ rồi nhưng họ lại hủy show đột ngột, coi như leo lưng cọp, xuống cũng không được mà lên cũng không xong. Một người nghỉ thì còn giải thích được chứ nhiều ca sĩ xin nghỉ bầu show chỉ có nước tự tử. Đó là tôi chỉ đề cập đến yếu tố bất ngờ, còn chuyện bầu sô cố tình để tên ca sĩ dù họ không hát để bán vé lại là một vấn đề khác nữa. Chuyện này phải nói đến đạo đức và lương tâm của bầu sô đó, lừa dối khán giả một cách trắng trợn kiểu đó thì chỉ làm được một lần thôi, chứ lần thứ hai khán giả biết rồi. Bây giờ khán giả thông minh lắm không thể lừa gạt họ được đâu".
Góc khuất phía sau tấm băng rôn quảng cáo
Bị đưa tên để quảng cáo dù không được ký kết hợp đồng cũng là chuyện thường gặp trong giới ca sĩ. Ca sĩ Đồng Lan cho biết: "Tôi cũng từng gặp vài trường hợp bị đưa tên lên quảng cáo dù mình chưa ký hợp đồng, khi bạn bè hỏi thì mới ngớ người ra. Những lúc ấy thấy mình thật nhỏ bé, vì cũng không biết phải tìm đến cơ quan nào và đi đấu tranh với ai, thiệt thòi cũng đành chấp nhận. Mà người nghệ sĩ vốn mong manh lắm, họ dễ bị tổn thương nên cách duy nhất là bỏ qua vì nếu có tranh cãi thì sẽ có nhiều thứ phiền phức, thị phi lại đến mà những thứ đó khiến người nghệ sĩ khó tập trung vào nghề lắm".
Còn ca sĩ Thúy Uyên tâm sự: "Khi những trường hợp này xảy ra, người bị thiệt hại đầu tiên chính là bầu sô, chắc chắn họ chính là người đầu tiên bị khán giả phản ứng vì đã làm việc một cách gian dối. Bị chửi là hình thức đầu tiên, và tiếp theo là mất lòng tin. Riêng với ca sĩ họ cũng chịu một phần ảnh hưởng tên tuổi, mà cũng không hề được đền bù điều gì cả".
Ca sĩ Đồng Lan bày tỏ: "Hy vọng mọi người làm nghệ thuật nói chung và ca sĩ nói riêng sẽ được quan tâm để bảo vệ quyền lợi chính đáng hơn nữa". Đằng sau chuyện bầu show "treo đầu dê bán thịt chó" người bị thiệt hại không chỉ ở ca sĩ, khán giả... mà nó còn tạo ra một tiền lệ cho việc làm ăn gian dối. Với những sự gian dối ấy chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ vào thị trường âm nhạc Việt Nam, vốn đã không thiếu sự bát nháo, giờ còn mắc thêm nhiều "dịch bệnh". Nếu được sự quan tâm giải quyết của cơ quan chức năng thì trong tương lai nền âm nhạc Việt mới phát triển được.
Có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Luật sư Nông Minh Đức, Giám đốc công ty luật Tùng Dương, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: "Khi quảng cáo không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì đó là một hành vi lừa đảo. Tùy theo trường hợp nếu những trường hợp không nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt về hành chính là chính, nếu hậu quả nặng hơn thì có thể bị khởi tố ra pháp luật. Về phía ca sĩ để bảo vệ quyền lợi cho mình họ có thể khởi kiện theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước những trường hợp tương tự như trên". |
Hương Lam - Hợp Phố