Từ anh đầu bếp trên tàu đến “chúa sơn lâm” của Futsal Việt Nam
Ông Trần Anh Tú là một doanh nhân thành đạt, Chủ tịch HĐTV của công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện, đồng thời là ông bầu của đội tuyển Futsal Việt Nam (bóng đá trong nhà).
Nếu như bầu Đức được ví như người đỡ đầu của bóng đá trẻ Việt Nam thì bầu Tú được ghi nhận như một bầu Đức thứ hai, ở lĩnh vực futsal.
Bầu Tú sinh năm 1963 ở Nghệ An. Trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt, một ông bầu gắn liền với những chiếc ghế quan chức thể thao vừa danh tiếng vừa tai tiếng thì ông Trần Anh Tú cũng có một quá khứ khá là… căn cơ, nếu không muốn nói là hàn vi.
Thời trẻ, ông Trần Anh Tú từng làm phụ bếp trên tàu bởi vì ông có niềm đam mê đặc biệt với công việc nấu nướng. Ngoài ra, ông còn kinh qua nhiều công việc như bảo vệ, tư vấn luật, thầy dạy tin học trước khi trở thành một doanh nhân. Con đường ấy chắc hẳn đã tạo được nhiều cảm hứng cho hành trình khởi nghiệp của lớp người trẻ bây giờ.
Năm 1998, ông Trần Anh Tú bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ bằng cách thành lập công ty TNHH TM Thái Sơn Nam, trụ sở chính đặt tại quận 7, TP.HCM, là nhà phân phối độc quyền thiết bị điện, thanh dẫn điện, cáp mạng và cáp viễn thông…
Theo giới thiệu của công ty thì sau 5 năm, Thái Sơn Nam đã đạt doanh số 500 tỷ đồng, tổng tài sản 150 tỷ đồng, từ chỗ có thị phần ban đầu rất nhỏ bé và ít người biết đến đã nhanh chóng thiết lập được một trong những hệ thống phân phối thiết bị điện lớn nhất tại khu vực phía Nam vào những năm 2000.
Đến nay, mặc dù là một doanh nhân thành đạt nhưng ông Tú được dư luận đánh giá là mê bóng đá hơn cả công việc kinh doanh của mình.
Báo chí nhận định, cái cách ông Tú đến với futsal cũng rất căn cơ, giống như cách ông đi từ vị trí anh đầu bếp trên tàu đến doanh nhân thành đạt.
Futsal của ông Tú đã khởi phát từ hơn 10 năm trước, đi từ phong trào dần lên chuyên nghiệp. Đam mê bóng đá, nhưng vì thoạt đầu mô hình công ty Thái Sơn Nam quá khiêm tốn nên ông đành phải đầu tư cho futsal.
Còn nhớ, hơn mười năm trước, khi futsal vẫn là môn thể thao xa lạ với người Việt Nam, ông Tú đã xắn tay vào gây dựng phong trào và tạo nên tên tuổi Thái Sơn Nam - một đội bóng lừng lẫy hàng đầu của Futsal Việt.
Chính ông cũng là người mạnh dạn để cho thủ môn Đặng Phước Anh (Thái Sơn Nam) sang “nằm vùng” ở Thái Lan để học tất cả những cái hay của người Thái đem về áp dụng cho Futsal Việt Nam.
Và cũng giống như đường hướng của bầu Đức, thời gian đầu ông Tú cũng tin dùng huấn luyện viên Thái Lan, nhưng đến khi nhận thấy huấn luyện viên người Thái không thể giúp Futsal Việt Nam thoát xác, ông Tú lại lặn lội khắp nơi, từ Brazil đến Tây Ban Nha, chấp nhận chi bộn tiền để có được huấn luyện viên giỏi.
Kết quả, bầu Tú cũng được nếm trái ngọt khi đội tuyển Futsal Việt Nam đã có chiến thắng đầu tiên trên đất Tây Ban Nha khi đánh bại CLB UMA của Malaga rạng sáng ngày 24/8/2016 và cống hiến cho khán giả nhiều trận đấu nghẹt thở như trận tứ kết thắng Nhật Bản 5-4 ở World Cup 2016, trận thắng Indonesia 4-3 ở bảng A, giải vô địch Futsal Đông Nam Á 2017…
Trong vị thế của trưởng đoàn Futsal Việt Nam, ông Tú không chỉ lo một phần kinh phí cho đội tuyển mà còn được biết đến như một vị quản gia sẵn sàng xách giỏ đi chợ, xắn tay vào bếp nấu ăn cho các cầu thủ con cưng của mình.
Niềm đam mê bóng đá của bầu Tú còn thể hiện khi vào thời điểm nhậm chức Chủ tịch công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thay ông Võ Quốc Thắng hồi cuối năm 2017, ông đã đăng đàn trả lời báo chí rằng ông đi với bóng đá suốt, việc kinh doanh đã có người khác lo.
“Hai công ty Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc của tôi đã rất nề nếp rồi nên tôi cũng không quá bận lòng với nó. Tôi đi với bóng đá suốt, còn công việc kinh doanh ở công ty đã có các cộng sự đắc lực quán xuyến” – bầu Tú nói.
Quan chức “siêu nhân”?
Mọi chuyện có lẽ sẽ không có gì đáng nói nếu như về sau này ông Tú không được tôn lên thành “siêu nhân”, ôm quá nhiều chức vụ cùng lúc. Có thời điểm ông “ôm” đến 8 chức danh trong đó có những vị trí tối quan trọng trong giới quan chức thể thao như Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, Chủ tịch liên đoàn Bóng đá TP.Hồ Chí Minh, trưởng ban giải đấu…
Và giọt nước tràn ly đối với bầu Đức và bầu Thắng khi mà Đại hội lần thứ VIII của VFF ngày 24/4 tới đây, ông Trần Anh Tú lại ra tranh cử chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ.
Mặc dù kết thúc nhiệm kỳ VII của VFF, ông bầu Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã tự nguyện rút khỏi chiếc ghế nóng này, bất chấp việc VFF đề ra quy định “đánh đố” ông là vị trí Phó Chủ tịch phải có bằng đại học, nhưng ông Đức vẫn lên tiếng công kích quyết định ôm đồm của ông Tú.
Phát biểu trên một số phương tiện truyền thông, ông bầu phố núi tuyên bố sẽ bỏ bóng đá, nếu như ông Trần Anh Tú trúng cử ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF vì ông "không chịu nổi việc mình đầu tư cho người khác thao túng".
Nguyên Chủ tịch VPF, Chủ tịch công ty CP Đồng Tâm (Long An) – ông bầu Võ Quốc Thắng mặc dù đồng tình với bầu Đức nhưng có phần ít xốc nổi hơn khi chọn cách đối thoại với bầu Tú trước khi bày tỏ quan điểm với báo chí.
Trước đó, vào ngày 3/4/2018 vừa rồi, “sếp” cũ và “sếp” mới VPF đã có buổi đối thoại kéo dài với thời gian một trận bóng đá là 90 phút nhưng kết quả chung cuộc thì trận khuyên can cân não vẫn kết thúc với tỷ số 0-0 khi bầu Thắng khuyên bầu Tú bỏ bớt chức vụ còn bầu Tú vẫn muốn làm cả VPF lẫn VFF.
Thuyết phục bầu Tú bất thành, bầu Thắng đành đăng đàn trả lời báo chí rằng việc bầu Tú ôm quá nhiều chức vụ là rất “kỳ kỳ”, và rằng "chỉ có siêu nhân mới có thể làm tốt nhiều công việc cùng lúc như vậy".
Ông Thắng cũng sẽ bỏ đầu tư cho bóng đá nếu như ông Tú không bớt ôm đồm và không rõ ràng minh bạch về quản lý tài chính ở VFF.
Mới đây nhất, hôm 10/4, ông Tú trả lời báo chí khẳng định sẽ không từ bỏ chức vụ nào ở VPF do "họ giao trách nhiệm và bầu, nếu tôi thoái thác là từ bỏ trách nhiệm".
Cuối cùng, bầu Thắng đành đứng ra dàn xếp để ba ông bầu có một buổi đối thoại vào ngày mai (12/4) tại TP.HCM, để “nói rõ phải quấy” về những chức vụ của ông Tú, về chi tiêu của VFF, VPF và về tương lai nền túc cầu Việt Nam. Với phát ngôn của ông Tú hôm 10/4 thì hiện chỉ còn có thể mong ông từ bỏ ý định tranh cử chiếc ghế Phó chủ tịch VFF.
Không biết buổi đối thoại này sẽ có kết quả ra sao, song nếu lật lại bức “tâm thư” mà bầu Tú thông qua truyền thông gửi tới bầu Đức hôm 21/3 thì có thể dự đoán rằng cơ hội để bầu Tú chịu nghe lời khuyên mà buông bớt chức vụ là không nhiều.
Bầu Tú nói: “Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá... Khi đã coi mọi cương vị là một sự đóng góp thì dù bất cứ kết quả nào, chỉ cần những nỗ lực của tôi còn được trân trọng, tôi sẽ tiếp tục đóng góp cho bóng đá Việt Nam”.
“Vì bóng đá, theo tôi chỉ nên là phép cộng của những bàn tay đóng góp chứ không nên là phép trừ từ những khác biệt quan điểm của những người cùng mục đích” – vẫn lời ông Trần Anh Tú.
Những nỗ lực của bầu Tú có được trân trọng không? Câu trả lời chắc chắn là có. Song phần đông cổ động viên Việt Nam cũng tin rằng một khi ông Tú đã “ôm” cùng lúc cả chức Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc VPF, Chủ tịch liên đoàn Bóng đá TP.HCM, trưởng 3 giải đấu mà nay còn “vươn vòi bạch tuộc” tới cả chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF” thì chẳng khác nào ngôi nhà bóng đá này của riêng ông Tú, để ông mặc sức “múa tay trong bị”. Còn đâu chỗ cho những đóng góp, phản biện vì một nền bóng đá trong sạch và minh bạch?
Hay nói theo cách của bầu Đức – một người đã đổ hàng nghìn tỷ đồng cho bóng đá Việt suốt một thập kỷ qua, là “tôi đâu có ngu mà để cho người ta cầm đầu như vậy”.
Vinh Phan