Đam mê sử thi
Nghệ nhân ưu tú A Jar được ví như “báu vật sống giữa đại ngàn”. Nghệ nhân là người duy nhất dịch hàng chục bộ sử thi từ tiếng Ba Na, Xơ Đăng sang chữ quốc ngữ. Đây là nguồn tư liệu quý báu để các học giả, nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chúng tôi đến Plei Đôn vào một chiều đẹp trời, căn nhà riêng của nghệ nhân A Jar 75 tuổi, nằm khép mình trong căn ngỏ nhỏ tại làng Plei Đôn. Không gian phòng khách diện tích khá khiêm tốn, trên tường treo kín bằng khen. Vừa nhâm nhi tách trà nóng, nghệ nhân A Jar vừa lật từng trang của cuốn sử thi vừa kể về cuộc đời của mình. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, lớn lên bằng tình yêu của người dân trong làng, nhất là trong những đêm ngập tràn tiếng kể sử thi. Thời đó, hát sử thi được người dân yêu thích bởi vậy trong ngôi làng nhỏ, nhưng có tới gần 10 nghệ nhân kể, hát sử thi.
Lớn lên trong cái nôi của sử thi, thấm nhuần ý nghĩa trong từng câu hát, ông khát khao để làm sao nhiều người biết đến sử thi của dân tộc. Ông lao vào học tập với ý nghĩ chỉ có con chữ mới lưu giữ được sử thi. Năm 1974, ông tốt nghiệp trường Quốc gia hành chính Sài Gòn. Ngoài thông thạo tiếng Kinh và tiếng Ba Na, ông còn biết tiếng Pháp và tiếng Anh.
Biết chúng tôi đến tìm hiểu về công việc biên dịch sử thi, Nghệ nhân ưu tú A Jar chọn trong kệ sách và đưa cho chúng tôi cuốn Sử thi song ngữ (Việt - Bana) do mình tham gia biên dịch dày hơn 600 trang có tựa đề “Giông, Gio tơrit pơti dâng ie”, “Giông, Gio mồ côi từ nhỏ” (cuốn sách nằm trong “Kho tàng Sử thi Tây Nguyên”) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành. Ông kể, bản thân bắt đầu dịch sử thi vào cuối những năm 1980, đến năm 1994 ông có bài đăng báo đầu tiên, đó là một truyện cổ do ông ghi chép, dịch và được in trên báo Kon Tum. Những năm sau đó, trên tờ báo địa phương này và một số báo về văn hóa thường xuất hiện cái tên A Jar dưới mỗi bài dịch với những câu chuyện, tục ngữ, lễ hội của người Ba Na, Xơ Đăng.
Cho đến năm 1998, ông A Jar được tham gia đoàn sưu tầm sử thi Tây Nguyên, nhận nhiệm vụ dịch những bộ sử thi Ba Na và Xơ Đăng ra tiếng phổ thông. Là người tâm huyết với mạch nguồn văn hóa dân tộc, lại có vốn tiếng Việt và vốn sống dày dặn, ông A Jar hồ hởi bắt tay ngay vào việc quên cả đêm ngày.
Giữ hồn văn hóa Tây Nguyên
Theo ông A Jar, ông có khả năng dịch thuật từ các tiếng dân tộc như Ba Na, Xơ Đăng sang tiếng phổ thông một cách chuẩn cả về nội dung và hình thức thể hiện. Không chỉ dịch theo văn bản ghi âm của người khác đem tới mà ông còn tự mình sưu tầm, ghi chép, tập hợp rồi dịch sang tiếng Việt.
Đến nay, Nghệ nhân ưu tú A Jar đã hoàn thành việc biên dịch 40 bộ sử thi, mỗi bộ dày trang đồ sộ. Trong đó sử thi Ba Na gần 30 bộ và 10 bộ sử thi Xơ Đăng. Ngoài ra, ông còn tích cực đi sưu tầm và thao thức viết khảo cứu về phong tục tập quán, về cảnh sắc, con người, về văn nghệ dân gian nhằm giới thiệu nền văn hóa còn nhiều ẩn số của Tây Nguyên đến với công chúng.
Tiếng lành đồn xa, năm 2003, PGS.TS Võ Quang Trọng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam đích thân vào tỉnh Kon Tum tìm gặp ông để trao đổi việc phiên dịch sử thi.
Nghệ nhân A Jar hồ hởi: “Gặp được PGS. TS Võ Quang Trọng, tôi như được tiếp thêm “lửa” cho việc “giữ hồn” văn hóa của buôn làng Tây Nguyên. Cũng từ dịp ấy đến nay, bất kể ngày đêm, hễ cứ có thời gian rỗi là tôi lại vào phòng riêng, đóng cửa, bật đèn, thả hồn mình vào “Chàng Giông” trong những câu chuyện sinh động nhưng rất gần gũi với buôn làng hay những nhân vật trong Sử thi Tây Nguyên”.
Đến nay, trong kho tàng của ông đã có 25 tác phẩm sử thi tự biên dịch đã được xuất bản thành sách, trở thành nguồn tư liệu quý báu để các học giả, nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những nỗ lực không ngừng, ông được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019. Bên cạnh đó, nhiều giải thưởng do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam từ năm 2017 đến 2021.