Mỗi “áo giáp” làm gần 1 năm mới hoàn thành
Ông A Xen- Trưởng thôn Đắk Ôn kể lại rằng, trước kia, rừng núi còn rậm rạp, những người Hà Lăng luôn sống trong rừng sâu, tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Vậy nên, họ sống chủ yếu bằng việc săn bắn, hái lượm. Cùng với đó là bao nhiêu nguy hiểm rình rập khi phải tự mình chống chọi lại với thiên nhiên, thú vật và với cả những tộc người khác. Vì vậy, để có vũ khí chiến đấu với kẻ thù và vật dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt, họ không chỉ chế tạo ra những chiếc cung tên, dao, mác mà một thứ đặc biệt rất quan trọng với người Hà Lăng đó là những chiếc áo giáp làm bằng vỏ cây.
Chiếc áo ông A Xen mặc trên người đã được làm cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn không bị mục rách.
Những chiếc áo này vừa giúp họ giữ ấm được cơ thể khi những cơn mưa gió kéo đến, vừa là thứ áo giáp làm giảm sự thương vong khi bị kẻ thù tấn công bằng cung tên hoặc dao. Vì lẽ đó, cho đến ngày nay, dù những chiếc áo vỏ cây này đã được thay thế bằng những chiếc áo vải hiện đại, thì những người Hà Lăng vẫn xem nó như là một báu vật của làng phải cất giữ cẩn thận.
Những chiếc áo làm bằng vỏ cây của người Hà Lăng không chỉ có tác dụng che chắn cho cơ thể, mà nó có thể tồn tại hàng trăm năm mà không bị mục nát theo thời gian. Chính vì vậy, để làm nên một chiếc áo bằng chất liệu vỏ cây này không phải là việc dễ dàng và không phải vỏ cây nào cũng có thể làm được. Nguyên liệu chính làm nên áo là vỏ cây, nhưng phải là vỏ từ cây mít rừng (người địa phương gọi là cây Kơ Pong) có đường kính chỉ 20- 30cm và là loài không có quả.
Để có được vỏ của loài mít này, người dân phải vào tận rừng sâu để tìm kiếm. Sau khi tìm được cây, người ta sẽ chặt xuống thành khúc dài từ 1 đến 2 mét (tùy may áo cho người lớn hay trẻ nhỏ) mang về nhà lột vỏ, cạo lớp vỏ bên ngoài, rồi ngâm phần vỏ bên trong này xuống nước khoảng 2 tháng liên tục. Khi đủ thời gian thì vớt lên, dùng chày đập dập, phơi khô trong bóng dâm và sau đó tách thành từng cọng, se thành sợi.
Dù đã sở hữu được những sợi của vỏ cây Kơ Pong, nhưng nó vẫn chưa đủ để hoàn thành một chiếc áo. Mà những vỏ cây này còn phải kết hợp với một thứ nguyên liệu thứ 2, cũng là nguyên liệu cuối cùng là dây La Plâh (thân dây to bằng ngón chân cái) để làm chỉ. Để biến cây La Plâh thành nguyên liệu chỉ thì nó kì công cũng không kém khi làm sợi Kơ Pong. Cây La Plâh phải được cho vào ống nứa, rồi nướng trên bếp lửa cho mềm, sau đó lấy ra để nguội rồi xé thành sợi nhỏ và phơi khô. Khi hai nguyên liệu này đã được phơi khô thành sợi, người ta sẽ lấy cây le chẻ nhỏ, vót nhọn để làm kim xâu chỉ La Pâh may thành áo.
Sau khi hoàn thành, mỗi chiếc áo vỏ cây có trọng lượng chừng 2kg, khi mặc vào nó không chỉ là vật che ấm cơ thể mà nó còn là một loại vũ khí phòng thân như áo giáp: “Trước đây khi chiến đấu với bộ tộc khác, người Hà Lăng mình mặc những chiếc áo này vào người thì dao chém vào người sẽ khó đứt, tên bay vào người sẽ khó đâm xuyên”, ông A Xen tự hào nói. Ông cho biết thêm, để có được một chiếc áo vỏ cây kì công như vậy là điều không phải một sớm, một chiều mà phải bỏ ra một khoảng thời gian khá dài khoảng gần một năm mới có thể tạo nên một chiếc áo bằng vỏ cây như vậy.
Bao nhiêu tiền cũng không bán áo
Nhắc đến những chiếc áo làm bằng vỏ cây của bộ tộc mình, ông A Xen không giấu được vẻ tự hào đang hiện rõ trên khuôn mặt rạng rỡ của ông. Ông cho biết, hiện tại trong làng vẫn còn giữ được 12 chiếc áo làm bằng vỏ cây, trong đó có những cái đã được làm cách đây hàng trăm năm nhưng vẫn chưa bị mục rách. “Làng mình thường mặc nó vào những ngày lễ mừng lúa mới, đâm trâu... hoặc đi biểu diễn cồng chiêng”, ông A Xen kể.
Trải qua hàng trăm năm mà những chiếc áo bằng vỏ cây không hề bị mục, rách. Những chiếc áo mà trong thời buổi như ngày nay, với những công nghệ hiện đại về khoa học kỹ thuật thì cũng không dễ gì làm ra được. Khi biết dân làng Hà Lăng sở hữu những chiếc áo ấy, một số người thích sưu tầm đồ cổ hoặc những vật dụng của người đồng bào dân tộc thiểu số đã lặn lội đến tận Đắk Ôn để hỏi mua áo với giá rất cao, nhưng dân làng quyết không bán.Những chiếc áo cổ của người Hà Lăng đến nay không chỉ quý vì nó hiếm và khó kiếm nguyên vật liệu. Mà nó còn mang đậm dấu ấn lịch sử một thời của bộ tộc Hà Lăng, nên nó được người dân gìn giữ như báu vật.
Đang hào hứng kể chuyện cho chúng tôi nghe về những chiếc áo được xem là báu vật của làng. Thì khi được chúng tôi hỏi đến bí quyết để làm nên một chiếc áo bằng vỏ cây thì giọng của ông A Xen chợt trầm ngâm: “Người Hà Lăng đang mất dần đi bí quyết làm áo, thế hệ trẻ bây giờ không còn ai biết cách làm áo, những người cao tuổi biết làm hầu hết đã về với Yàng. Bản thân chúng tôi cũng đang rất lo lắng vì người Hà Lăng chúng tôi có thể mất đi cách làm áo này”.
Không chỉ vậy, nguyên liệu dùng để làm áo cũng ngày một khan hiếm khi rừng đang bị tàn phá quá nhiều. Vì vậy, muốn tìm được nguyên liệu phải vào tận rừng sâu cả tuần nhưng cũng chưa chắc đã thấy: “Chúng tôi cũng đang tìm cách khôi phục lại cách làm áo, nhưng bây giờ tìm được người biết làm để dạy lại khó lắm. Vì người Hà Lăng bây giờ đã sống rải rác khắp nơi và đã du nhập cuộc sống hiện đại, nên cũng không còn mấy ai quan tâm đến việc làm áo bằng vỏ cây nữa.
“Báu vật” giờ chỉ mặc khi biểu diễn thôi! Ông A Xen bồi hồi nhớ lại: “Vài chục năm trở lại đây, cuộc sống của người Hà Lăng có nhiều thay đổi khi tiếp xúc và du nhập nền văn minh hiện đại. Mọi người trong làng đã ít mặc dần những chiếc áo bằng vỏ cây. Cách đây chỉ vài năm thôi, một số người nghèo không có quần áo mặc nên họ vẫn mặc bằng áo này. Nhưng bây giờ người Hà Lăng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn, cuộc sống của bà con đỡ khổ hơn, nên những chiếc áo vỏ cây chỉ dùng làm trang phục truyền thống khi đi biểu diễn cồng chiêng thôi”. |
Nhật Khánh