“Cánh đồng thiêng” và Phật viện đồng dương
Chúng tôi tìm về Phật viện Đồng Dương thuộc làng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), nơi được xem kinh đô tráng lệ một thời của người Chăm. Ông Trà Tấn Túc, phó chủ tịch xã Bình Định Bắc đã nhiệt tình dẫn chúng tôi vượt qua một cánh rừng tràm mất khoảng 20 phút mới tới dấu tích còn lại của Phật viện là ngọn Tháp Sáng đang được chèo chống bằng những thanh sắt thô sơ. Khi được hỏi nguyên nhân, ông Túc chép miệng: "Do trải qua thời gian và sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh và sự can thiệp của người dân nên nó đang thành hoang phế".
Bia đá đã mờ ký tự được dựng trong khuôn viên của UBND xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Theo ông Túc, dựa trên những ký tự ghi trên tấm bia đá, các nhà nghiên cứu cho rằng Phật viện Đồng Dương được xây dựng thế kỷ thứ 9, thời kỳ vàng son nhất của triều đại vua Indravaman II. Năm 875, vua Indravanman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và các đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều Laskmindra Lokescara Svabhyada. Tính chất phật giáo đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.
Sử sách cổ tại tỉnh Quảng Nam có ghi chép Phật viện Đồng Dương là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng không chỉ ở Vương quốc Chăm Pa cổ mà cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại. Đây được xem là một thánh địa phật giáo bởi sự quy mô đồ sộ của dấu tích kiến trúc còn lại và sự lan tỏa, ảnh hưởng về mặt văn hóa của nó với khu vực xung quanh. Phật viện tọa lạc trên một cánh đồng Đồng Dương mà người dân gọi là "cánh đồng thiêng" với một quần thể kiến trúc lớn có hình chữ nhật, chiều dài chạy theo hướng chính Đông Tây.
Ông Túc cho biết, điều vô cùng đáng tiếc là kinh đô tráng lệ một thời đang dần trở thành hoang phế. Những gì còn lại là những dấu tích vụn vỡ do tàn phá bởi thiên nhiên, chiến tranh... Trước những năm 1970, những ngọn tháp trong quần thể kiến trúc Phật viện chưa sụp đổ. Khi biết đây là căn cứ cách mạng, quân đội Mỹ đã dùng bom đánh phá làng này, khu di tích bị tàn phá nặng nề. Sau chiến tranh, trước sự sụp đổ của những tòa tháp người dân đã tự ý đến nhặt những viên gạch đá... về làm các công trình công cộng.
Con đường dẫn vào di tích Phật viện Đồng Dương.
Năm 1987, một người dân địa phương đã tìm được một pho tượng Phật nằm sâu dưới lòng đất. Khi nghe tin, chính quyền xã Bình Định Bắc đã đến và thu hồi pho tượng. Sau đó, chính quyền đã báo cho UBND tỉnh Quảng Nam và được chuyển đến bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày. Việc tìm thấy pho tượng đã nở rộ tin đồn về "vàng hời" mà trong người dân thường được nghe của các bậc cha ông đi trước kể lại.
Phật viện Đồng Dương đến nay vẫn còn giữ nhiều điều bí ẩn về những kiến trúc độc đáo của người Chăm Pa. Chính vì thế, nó đang được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu trong nước và thế giới. Khó có thể đánh giá những giá trị to lớn về mặt văn hóa kiến trúc của một kinh đô Phật giới được lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.
"Báu vật" được giữ qua 5 đời chủ tịch xã
Trong quá trình tìm hiểu về Phật viện Đồng Dương, chúng tôi được người dân nơi đây truyền tụng về pho tượng nữ thần Tara đang được trưng bày tại bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Túc đưa ánh mắt dò xét với gương mặt nghiêm nghị cho biết: "Chuyện người dân tìm thấy pho tượng cách đây 33 năm rồi. Sau đó, người dân cứ bàn tán xôn xao việc có "vàng hời" trong quần thể di tích Đồng Dương. Theo đó, năm 1978, lúc tôi đang làm việc ngoài đồng thì một người dân tìm thấy một pho tượng cổ bằng kim loại, sau đó chúng tôi đến thu hồi rồi đưa về UBND xã quản lý".
Trung tâm Phật giáo Đồng Dương qua mô hình phục chế của Henry Parmentier (năm 1992).
"Báu vật" hình quả cau vẫn còn là một bí ẩn!? Điều kỳ lạ "báu vật" đó được truyền qua tay của 5 đời chủ tịch xã cất giữ nhưng chưa ai một lần được tận mắt "chiêm ngưỡng" nó. Việc báu vật giờ ở đâu? Còn ở trong tay các chủ tịch xã nữa không thì không ai biết. Câu chuyện về pho tượng đã trôi qua hơn 33 năm, nhiều lần cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu bày tỏ muốn chính quyền xã Bình Định Bắc đem gửi cho bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng để gắn vào cho hoàn thiện pho tượng như nó vốn có nhưng vẫn chưa có hồi âm. |
Theo như các nhân chứng tìm thấy pho tượng kể lại, pho tượng được tìm thấy cách tháp Sáng chừng chưa đầy 100m, khi đưa lên từ độ hố sâu 150m nhưng pho tượng còn rất tốt. Pho tượng có chiều cao khoảng 1,2m, nặng chừng hơn 100kg. Bức tượng được đúc là một phụ nữ, có gương mặt tròn, mái tóc được búi cao hình chóp, phía trên có hình Phật A Di Đà, giữa trán có con mắt thứ 3. Thân trên tượng để trần, có bộ ngực lớn và tròn, thân dưới tượng mặc Sarông dài chấm mắt cá chân, tấm choàng ngoài Sarông xếp nếp hình luống cày, cuộn vào trong lật một múi ra ngoài. Bức tượng đứng thẳng, hai tay để trần dọc theo thân, hai cánh tay đưa về phía trước.
Pho tượng được người dân xem như báu vật, họ thay nhau trông coi và không cho người ngoài làng xem. Đến 1981, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ đến xã thu hồi pho tượng và giao cho bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng nghiên cứu.
Ông Túc tiết lộ, trước khi pho tượng được thu hồi, ông Huỳnh Thế Công, là chủ tịch xã giai đoạn phát hiện ra bức tượng đã tự bẻ "báu vật" hình quả cau trên hai tay pho tượng cất giữ cho xã. Khi chúng tôi hỏi ông Túc có hay không chuyện chính quyền xã hiện nay đang giữ "báu vật" trên. Ông Túc gật đầu cho biết: "Đó là một vật có hình dáng giống quả cau và đã được 5 đời chủ tịch xã thay nhau cất giữ". Khi chúng tôi ngỏ ý muốn chiêm ngưỡng, chụp hình "báu vật" đó của xã, thì ông Túc từ chối thẳng thừng: "Tôi không có quyền quyết định, muốn được xem phải xin ý kiến Thường vụ Đảng ủy xã...". Và ông Túc cũng nhắc lại: "Ông Huỳnh Thế bẻ "báu vật" trên tay pho tượng với mục đích để xung "công quỹ" cho xã chứ không vì lợi ích cá nhân".
Chúng tôi rời xã Bình Định Bắc khi mặt trời đã vắt sau ngọn núi, cảnh chủ tịch của một kinh đô Phật giáo tráng lệ một thời của người Chăm làm cho nó càng thêm huyền bí. Được biết, tháng 8/2011, UBND tỉnh Quảng Nam đã có hội thảo bàn về công tác quy hoạch, khôi phục lại khu di tích Phật viện Đồng Dương. Và pho tượng của nữ thần Tara đã được công nhận là một trong những bảo vật quốc gia về nền văn hóa Chăm Pa.
Những phát hiện khảo cổ gây sửng sốt Tài liệu ghi lại, vào năm 1991, L. Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 cổ vật ở Đồng Dương. Trong đó một tượng Phật bằng đồng cao 108cm (hiện đang được trưng bày tại bảo tàng lịch sử TP.HCM), một tượng Phật đứng trên tòa sen, Phật mặc áo cà sa để hở bên vai phải, các nếp áp uốn cong xếp theo hình luống cày, hai mặt tay đưa lên phía trước. Một năm sau đó (năm 1992), nhà nghiên cứu H.Parmentier tiến hành khai quật quy mô lớn đã mở tung bức màn bí mật về một Phật học diện (Vihara) đã được cổ sử Trung Hoa, Đại Việt và Chăm Pa nhắc đến một cách trân trọng. Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật khu Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo mô tả của H.. Parmentier, toàn bộ khu đền chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên trục từ Tây sang Đông, dài khoảng một 1.300m. |
Sỹ Đồng - Hữu Tiến