Người Khmer Cà Mau nói riêng và người Khmer ở Nam Bộ nói chung coi âm nhạc là linh hồn của mình! Họ hát lên, đàn lên những gì chất chứa trong lòng, gửi niềm vui nỗi buồn của riêng mình vào âm nhạc.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây không ngừng sáng tạo và giữ gìn một kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng, đa sắc màu riêng biệt.
Đặc biệt, bà con Khmer rất xem trọng chiếc trống lớn, coi đây là vật linh thiêng, “báu vật” trong đời sống tinh thần… Trống lớn (Skor Thom) hay còn gọi là Skor Chi, là loại trống lớn nhất của đồng bào người Khmer, thường cất giữ ở các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Trống lớn được người Khmer sử dụng rất nhiều trong lao động sản xuất, âm nhạc, nghi lễ, lễ hội…. Trống lớn cũng là phương tiện thông tin trong thời gian nhập hạ của các vị sư. Khi nhà sư nhập hạ 3 tháng thường đánh trống báo tin đến đồng bào Phật tử.
Ông Hữu Qual – Nghệ nhân sinh hoạt trong nhóm trống lớn của Chùa Cao Dân (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết, trống lớn (Skor Thom) là vật linh thiêng không ai dám sử dụng một cách tùy tiện, mà chỉ dùng để đánh trống báo tin cho đồng bào Phật tử đến chùa hoặc đến ngày lễ…
Ngoài ra, theo kiêng kỵ của người trong Phum, Srok (thôn, xóm – PV), nếu đánh trống bừa bãi hoặc đánh trống không đúng lúc, sẽ có chuyện không tốt xảy ra. Trống lớn thường được bảo quản nơi sạch sẽ và treo cao ở trong ngôi sala hoặc ngôi chính điện của chùa.
Theo nghệ nhân Hữu Qual, nghệ thuật Nhạc trống lớn (Plêng Skor Thom) là thể loại âm nhạc khá đặc biệt được sử dụng trong nhiều lễ hội, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tuỳ theo từng bối cảnh nghi thức, nghi lễ mà các nghệ nhân sẽ cùng chơi những bản nhạc.
Đó là giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt trong lễ tang; giai điệu trầm hùng, vang vọng chiến thắng trong lễ hạ thủy đua ghe ngo; giai điệu nhẹ nhàng, hạnh phúc trong lễ cưới; giai điệu thanh thoát, hướng thiện trong các lễ nghi tôn giáo…
“Đặc biệt hơn cả là trong lễ tang, dàn nhạc trống lớn đóng vai trò rất quan trọng trong lúc diễn tấu. Mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa là để thể hiện sự rung động cảm xúc xót thương đến người đã khuất”, ông Hữu Qual chia sẻ thêm.
Theo các nghệ nhân, Nhạc trống lớn ở Cà Mau được ông Hữu Pinh, Hữu Mốt từ Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình (sinh sống ở vùng đất Tân Lộc, thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) mang theo và thể hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Đến năm 1922, các vị sư, đồng bào Phật tử và người dân lân cận bắt tay nhau góp vốn xây dựng ngôi chùa có tên gọi là Chùa Trâu Trắng (Bạch Ngưu), Nhạc trống lớn ở khu vực này cũng bắt đầu được hình thành và thường xuyên chơi tại đây.
Năm 1958, Chùa đã dời về cặp tuyến Quốc lộ 63 đổi thành tên Chùa Cao Dân. Cùng với việc xây dựng ngôi chùa, Nhạc trống lớn dần đi vào tổ chức ổn định. Đặc biệt, ở một số huyện có đông người Khmer sinh sống, khi diễn ra lễ hội lớn ở chùa, ở Phum, Srok hoặc tại nhà của người dân, thì bà con sẽ mời nhóm nhạc ở Phum Srok khác đến cùng phục vụ diễn tấu.
Ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: “Nghệ thuật Nhạc trống lớn của người Khmer được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia khẳng định giá trị và đóng góp của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, nhân dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau nói chung. Điều này góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam”.
Ngày 4/4, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 786/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Nghệ thuật trình diễn dân gian Nghệ thuật Nhạc Trống Lớn của người Khmer huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.