Bẫy chuột bằng điện gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Bẫy chuột bằng điện gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 7, 24/04/2021 14:44

Người phụ nữ ở Hải Dương thiệt mạng khi đi làm đồng vướng phải dây điện trần dùng để bẫy chuột.

Ngày 24/4, Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin vừa xác minh làm rõ nguyên nhân một phụ nữ tử vong tại cánh đồng thôn Bằng Lai ở xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, nguyên nhân dẫn đến cái chết của người phụ nữ tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, Hải Dương là do vướng phải dây điện trần bẫy chuột trên ruộng lúa.

Nạn nhân được xác định là là Nguyễn Thị Ph. (SN 1958, trú tại thôn Bằng Lai, xã Ngũ Phúc).

Trước đó, vào chiều 21/4, bà Ph. có đi phun thuốc trừ sâu và làm cỏ tại ruộng lúa của gia đình, do không để ý, bà đã vô tình vướng vào dây điện trần chăng bẫy chuột xung quanh ruộng lúa và bị điện giật dẫn đến tử vong.

Vào cuộc điều tra, lực lượng công an xác định, trước thời điểm xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Văn Nam (SN 1962) ở cùng thôn đã ra đồng sử dụng bình Ắc quy 12 vôn có sử dụng bộ kích dòng lên 220V đấu nối để chăng bẫy chuột xung quanh ruộng lúa của 5 gia đình, trong đó có ruộng lúa nhà bà Ph.

Khi biết vụ việc, ông Nam cùng mọi người trong thôn đã đưa bà đi cấp cứu nhưng không có kết quả, vì bà đã tử vong trước đó.

An ninh - Hình sự - Bẫy chuột bằng điện gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Ông Nam tại cơ quan công an.

Thiếu tá Phạm Huy Phương, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Kim Thành cho biết, thời điểm ban đầu, gia đình bà Ph. và mọi người còn giấu cho rằng bà Ph. chết do bị cảm. Tuy nhiên vào cuộc điều tra, xác minh cơ quan công an xác định bà Ph. chết do bị  điện giật, nhận thấy vụ việc có yếu tố cấu thành tội Giết người nên thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng cùng vào cuộc.

Theo lời khai của ông Nguyễn Văn Nam, trước đó vào tháng 10/2020, thấy việc sử dụng điện chăng bẫy diệt chuột bảo vệ hoa màu có tác dụng nên nhiều người dân trong thôn có ruộng gần nhà đã nhờ, thuê ông làm đường dây thép (loại dây trần) quây quanh các thửa ruộng để giăng bẫy diệt chuột. Tuy nhiên, tác dụng đã không như mong muốn của ông Nam và các gia đình trong thôn.

Theo công an tỉnh Hải Dương, thời gian gần đây, không chỉ riêng trên địa bàn huyện Kim thành mà ở một số địa phương khác của tỉnh Hải Dương cũng đang diễn ra tình trạng người dân sử dụng điện chăng bẫy diệt chuột để bảo lúa và hoa màu và cũng đã có nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Theo thống kê, từ tháng 2 đến tháng 4/2021 trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã xảy ra 2 vụ chết người do sử dụng điện bẫy chuột, ngoài ra còn nhiều vụ việc tai nạn do điện khác liên quan đến sử dụng điện bẫy chuột bảo vệ hoa màu.

Cơ quan công an cho biết, việc sử dụng điện để đánh bẫy chuột là hành vi vi phạm pháp luật, nếu để xảy ra chết người, khi đó người sử dụng điện bẫy chuột sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự… người dân cần dừng ngay việc này, và tìm các cách bảo bảo vệ hoa màu bằng các biện pháp an toàn khác…

Bẫy chuột bằng điện gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào?

Tại mục 12 Phần I Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn quy định:

Trường hợp 1: Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội Giết người (Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trường hợp 2: Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Giết người.

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội Vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, đối với tội phạm hình sự thì việc kết luận chính xác tội danh phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra trong từng trường hợp cụ thể.

Về trách nhiệm dân sự, chủ thể tiến hành giăng bẫy điện mà làm chết người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định của pháp luật dân sự tại Điều 601 BLDS năm 2015.

Như vậy, nếu ông hàng xóm gần nhà bạn bẫy chuột bằng điện gây chết người thì tùy từng trường hợp mà bị truy tố về tội Vô ý làm chết người hay Giết người và phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.