Quỵt không thương tiếc
Lợi dụng nhu cầu cần việc cuối năm của sinh viên, nhiều chủ thuê mướn nhân công chỉ làm “hợp đồng miệng” khi nhận các bạn vào làm. Đến khi kết thúc công việc, các chủ thuê mướn tìm mọi cách quỵt tiền người lao động. Minh Ngọc (trường ĐH Hoa Sen) vẫn còn ấm ức, khi mới tuần trước, cô bạn bị quỵt tiền công phát tờ rơi với mức lương 20.000 đồng/giờ, một ngày sẽ làm 5 tiếng. Lúc đầu, bên trung tâm thỏa thuận làm 3 ngày sẽ phát lương một lần. Mình làm được 4 ngày nhưng chưa thấy bên trung tâm thanh toán. Mình đến trung tâm thắc mắc về việc trả lượng chậm thì được hẹn đến cuối tuần. Mình làm tiếp 2 ngày nhưng cuối cùng chỉ nhận được 250.000, với lý do khổ giấy mình phát nhỏ hơn thỏa thuận ban đầu và giấy bị vứt nhiều quá nên mình phải đền bù cho trung tâm. "Trừ phí giới thiệu 150.000 đồng ban đầu, mình chỉ còn vỏn vẹn 100.000 đồng cho gần 6 ngày làm cật lực”.
Minh Anh (trường ĐH Tôn Đức Thắng), mới đây cũng bị chủ shop quỵt tiền khi cô bạn tham gia làm người mẫu ảnh online. Minh Anh bức xúc: “Bình thường làm mẫu ảnh cho shop chụp 50 kiểu, thù lao mình nhận được 1 triệu đồng và sẽ được thanh toán ngay khi kết thúc công việc. Vừa rồi, mình được một shop online lớn mời làm người mẫu ảnh với mức giá 2 triệu đồng cho một buổi chụp mẫu hàng Tết. Thấy lương hậu hĩnh, mình nhận lời ngay và cũng làm hợp đồng. Sau khi chụp xong, cửa hàng yêu cầu chụp lại vì ảnh không đạt chất lượng. Mình cũng vui vẻ chụp lại nhưng cửa hàng vẫn từ chối không thanh toán đồng nào, với lý do ảnh không đạt yêu cầu. Thế nhưng, vài ngày sau đó, hình của mình đã chễm chệ trên trang Facebook của cửa hàng”.
Các bạn hãy cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy lừa và bị bóc lột sức lao động oan uổng (Ảnh minh họa)
Lương “tượng trưng”
Bên cạnh việc quỵt tiền công của các bạn sinh viên làm thêm, các chủ shop thường tìm cách bắt lỗi để trừ tiền, mục đích trả công cho sinh viên dưới mức thỏa thuận ban đầu. Lý do chính theo các chủ shop cho biết, công việc mùa Tết thường có mức lương tương đối cao. Đức Minh (Trường ĐH Mở TP. HCM) là một trường hợp điển hình khi bị chủ trừ tiền “sát ván”, sau nửa tháng đi làm. Minh kể:“Mình là con trai nên khi đi bán hàng cho shop thời trang thì hơi vụng về. Ngặt nỗi, chị chủ shop không chấp nhận bất kỳ sai sót nào. Đính giá sai một mẫu là bị trừ 5.000 đồng, xếp móc không đúng chiều là bị trừ 5.000 đồng… Thậm chí, xếp tiền không đúng theo mặt trái, mặt phải mình cũng bị trừ 10%. Lúc đầu, nghe lương 5 triệu đồng/ tháng, một ca làm 4 tiếng, mình mừng lắm nhưng cuối cùng, mình chỉ nhận được 1 triệu đồng cho nửa tháng làm việc vất vả. Làm xong nửa tháng là mình xin nghỉ luôn vì không thể chịu được kiểu bóc lột và hành hạ nhân viên như vậy”.
Câu chuyện của bạn Ngọc Hiền (trường ĐH Văn Lang) còn “thảm” hơn, khi bị chính người dạy nghề của mình trả tiền “tượng trưng” nhằm khấu trừ tiền lương làm việc: “Cô giáo dạy trang điểm của mình mở một trung tâm riêng, mời tụi mình về cộng tác. Cô thỏa thuận, mỗi tiếng sẽ được trả 15.000 đồng. Cả bọn làm hùng hục cả mấy ngày mới xong, cô ấy bảo chẳng ưng ý nên không trả tiền, trong khi ai nấy đều làm từ sáng đến tối. Sau đó, tụi mình bỏ đi luôn, không làm tiếp cho cô nữa”.
Việc làm luôn là nhu cầu của sinh viên, nhất là đối với các bạn không về nhà ăn Tết cùng gia đình, muốn có thêm thu nhập năm mới. Tuy nhiên, các bạn hãy cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy lừa và bị bóc lột sức lao động oan uổng.
Theo Minh Nhật (Sinh viên Việt Nam)