Tiếp cận thủ phủ giới thiệu việc làm miễn phí
Trong vai một người từ miền Trung vào TP.HCM xin việc làm, chúng tôi thất thểu bước vào một trung tâm GTVL tên H.H.Y. ở khu vực ngã tư An Sương. Do chưa có kinh nghiệm đóng vai người đi xin việc nên chúng tôi giới thiệu là sinh viên năm cuối đang tìm việc làm. Vừa bước vào, thấy bộ dạng thư sinh của chúng tôi, người phụ nữ trạc trung niên hỏi: Có gì không em? Tôi nói muốn xin việc làm thêm để trang trải việc học. Người phụ nữ liền khoát tay đuổi ra, vì “Ở đây không nhận sinh viên hay người làm việc bán thời gian. Chỉ cần người làm cả ngày và phải ở lại”. Cố gắng hỏi thêm, người phụ nữ này tỏ thái độ khó chịu và đuổi ra ngoài đồng thời nói vọng thêm: “Ở đây không có việc cho sinh viên”.
Chúng tôi lại bước sang một trung tâm khác cách đó không xa. Thấy chúng tôi bước vào, nữ nhân viên này tỏ ra nghi ngờ, rồi quan sát từ đầu tới chân chúng tôi rồi hỏi: Có gì không? Tôi nói đi tìm việc làm. Nữ nhân viên nói câu gọn lỏn: Ở đây không có việc gì đâu? Chúng tôi cố gắng hỏi thêm nhưng nữ nhân viên này quay mặt đi chỗ khác và đuổi chúng tôi ra khỏi bàn GTVL có ghi dòng chữ rất to: Giới thiệu việc làm miễn phí. Khi chúng tôi vừa bước ra khỏi chỗ này thì có một người đàn ông chạy xe ôm, lớn tuổi, tên Danh hỏi đi làm không? Chớp thời cơ, chúng tôi sà vào ngay để tìm thông tin. Chúng tôi nói đang là sinh viên muốn tìm việc làm thêm, ông Danh khoát tay: “Sinh viên thì bó tay rồi. Ở đây, người ta chỉ cần người làm cả ngày thôi”.
Người lao động nên tìm đến những trung tâm uy tín để tránh rơi vào bẫy việc làm miễn phí.
Chúng tôi đành phải nói khéo là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn ở miền Trung nên phải tính đến chuyện nghỉ học giữa chừng để đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Ông Danh mau mắn nói, “vậy thì dễ thôi, muốn làm việc gì cũng có. Nếu muốn thì có thể ngay bây giờ, còn không thì về sắp xếp mọi thứ rồi sáng hôm sau ra đây tôi sẽ dẫn đi”. Để rõ hơn dịch vụ môi giới việc làm tại đây, chúng tôi tiếp tục vào một trung tâm khác có tên T.L. Tiếp chúng tôi cũng là một phụ nữ trạc trung niên, người này giới thiệu là chủ của trung tâm và cho danh thiếp hẳn hoi tên là L. Chúng tôi nói muốn tìm một công việc phụ quán, bà L. cho biết việc đó thì nhiều lắm, muốn thì ngay bây giờ đi làm luôn cũng được.
Vạch trần các kiểu bẫy
Tránh sa bẫy, cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng Theo điều tra của chúng tôi thì các trung tâm GTVL tại khu vực ngã tư An Sương đa phần đều móc nối với các quán nhậu, quán cà phê, đấm bóp, giác hơi trá hình tại khu vực Hóc Môn, Q.12... Những quán này liên tục tuyển nhân viên phục vụ (thực chất là kích dục, hoạt động mại dâm trá hình). Họ móc nối với các trung tâm GTVL để tuyển người.... Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh Niên cho biết, nhiều người ở khu vực nông thôn lên TP. kiếm việc làm thường có tâm lý muốn có việc ngay để đi làm. Do vậy, họ ít khi tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng nên khi có người giới thiệu việc làm hấp dẫn, không đòi hỏi nhiều thủ tục thì chấp nhận ngay. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho NLĐ về sau. |
Theo khảo sát của chúng tôi thì có đến 99% các cơ sở, trung tâm môi giới, GTVL tại khu vực ngã tư An Sương đều có quy trình GTVL giống nhau. Đó là chỉ giới thiệu việc cố định thời gian, bao ăn ở và công việc của lao động phổ thông. Một điều cũng làm cho nhiều NLĐ đi tìm việc sẽ thấy ngạc nhiên chính là việc GTVL của các trung tâm này hoàn toàn miễn phí. Anh Nguyễn Đình Hòe, ở Tiền Giang lên TP.HCM xin việc làm cho biết: “Khi ngồi trên xe từ dưới quê lên nghe lơ xe giới thiệu sang khu vực này để hỏi tìm việc. Sang đến nơi thì thấy chỗ nào cũng treo bảng GTVL miễn phí, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là nghĩ không tốn tiền, còn lo là không biết người ta có giăng bẫy gì không, vì thời buổi này khó khăn như vậy sao họ lại làm không công cho mình?”.
Giải thích về phí, ông Danh cho biết, nếu đồng ý đi thì tôi sẽ chở đi đến chỗ em gái (trung tâm GTVL) để tư vấn cho. Muốn làm gì thì làm. Còn phí thì không mất đồng nào cả. Sau khi làm hợp đồng xong, tôi sẽ chở anh đến chỗ nhận việc làm luôn. Anh cũng không phải trả bất cứ khoản tiền nào. Bởi vì những loại phí đó do chủ người ta trả thay cho anh rồi, chứ thời buổi này ai làm không công đâu. Bà L. cũng cho biết, khi đồng ý sẽ có người dẫn đi và hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng theo lời ông Danh, bà L. thì để được hưởng chính sách “ưu đãi” này, bắt buộc anh phải làm việc đủ hai tháng. Nếu chưa đủ hai tháng, NLĐ phải bồi hoàn số tiền đó, khoảng 300 – 400 ngàn đồng.
Ngoài việc được miễn phí thì khi đồng ý đi làm, NLĐ cũng không cần phải có hồ sơ gì hết. Chỉ cần nộp giấy CMND bản gốc là được. Bà L. cho biết, nếu đồng ý đi làm, chỉ cần nộp giấy CMND rồi ký hợp đồng có sẵn là xong. Chúng tôi thắc mắc về hợp đồng, bà L. nói: Đó là bản thỏa thuận thôi, cụ thể như thế nào phải đến chỗ làm người ta sẽ biết. Còn tại sao lại lấy giấy CMND bản gốc và giữ luôn, bà L. giải thích: Vì đây là những cơ sở nhỏ, họ chỉ cần lấy làm tin và để làm thủ tục tạm trú... chứ không có ý gì cả. Thực chất, theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc làm này là để ép NLĐ phải làm việc. Vì đa phần công việc của lao động phổ thông, NLĐ phải làm việc như những khổ sai.
Bà L. nói thẳng, nếu làm phục vụ (bao ăn ở, lương 2,5 triệu đồng) thì phải làm từ sáng tới tối. Có việc gì thì làm việc đó, buổi trưa chỉ nghỉ được 1 – 2 tiếng thôi. Chính vì khoảng giờ làm “khủng” như vậy nên được vài ngày thì NLĐ sẽ kiệt sức và bỏ việc. Chính lúc này, tấm giấy CMND mới là bùa hộ mệnh cho họ, hoặc là NLĐ phải hoàn trả số tiền 300 – 400 ngàn đồng (phí môi giới + xe ôm + phí khác). Thậm chí, nhiều nơi còn phải hoàn trả số tiền 40 – 50% tiền lương được hưởng hàng tháng theo thỏa thuận mới có thể lấy lại giấy CMND. Hoặc là phải làm việc đúng như cam kết (2 tháng) để lấy lại giấy CMND. Trước cảnh bức bóc đó, nhiều người đã không ngần ngại bỏ lại giấy CMND để thoát thân.
Chí Thanh