Đối với những gia đình theo đạo Phật thì rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
- Xôi đỗ xanh
Gạo nếp thường được chọn để nấu xôi là nếp cái hoa vàng. Với các nguyên liệu gồm: Đậu xanh, nước cốt dừa, muối và đường là bạn đã có thể có một đĩa xôi đỗ xanh thơm mùi nếp mới, ngậy mùi dừa để mâm cỗ cúng có món.
- Gà luộc
Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng. Để có một đĩa gà vàng ươm, thơm ngon, bạn phải luộc gà với nước lạnh, lửa nhỏ để gà chín đều, da gà vàng óng.
- Miến nấu lòng gà
Món này sẽ được nấu với lòng mề gà và nước luộc gà, thêm miến, mộc nhĩ, nấm hương, hành thơm.
- Nem rán
Đây là món ăn truyền thống của người Việt, tùy thuộc vào khẩu vị của bạn và gia đình mà các bạn chọn những nguyên liệu làm nem sao cho phù hợp.
Thông thường, món nem rán được làm bằng các nguyên liệu như thịt lợn nạc xay nhỏ, miến, trứng, mộc nhĩ, nấm hương, hành tây, cà rốt, giá đỗ hoặc củ đậu cùng hành lá. Nem rán xong vỏ nem giòn, có màu vàng ruộm, nhân nem thơm bùi là bạn đã có món nem rán ngon tuyệt.
- Nộm
Bên cạnh những món nem, giò chả dễ gây ngán trong mâm cỗ cúng Rằm tháng 7, thì không thể thiếu món nộm. Bạn có thể làm nhiều món nộm khác nhau như nộm hoa chuối, nộm su hào, nộm đu đủ hay nộm gà xé phay...
- Giò lụa
Vì món này chế biến khá nhiều công đoạn nên bạn có thể mua ở chợ về. Đĩa giò lụa cắt tỉa đẹp mắt, bày cạnh đĩa gà luộc vàng óng, đĩa xôi đậu xanh... làm mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 thêm đủ vị.
- Chè sen long nhã
Để có món chè sen long nhãn thơm ngon, bạn cần mua hạt sen, nhãn tươi bóc vỏ dùng dao tách hạt sao cho cùi nhãn không bị rách.
Hạt sen sau khi ninh mềm nêm đường vừa ăn sẽ được lòng vào cùi nhãn rồi cho vào nồi nước sen đun sôi trở lại là tắt bếp. Bát chè sen long nhãn sẽ làm mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 đủ vị.
Trang Dung (t/h)