Bảy người đàn bà qua những bức họa của danh họa Picasso

Bảy người đàn bà qua những bức họa của danh họa Picasso

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Là danh họa nổi tiếng bậc nhất của thế kỷ 20, Picasso còn được xem là một tay sát gái đại tài và một người đàn ông đào hoa bậc nhất lịch sử.

Lạ & Cười - Bảy người đàn bà qua những bức họa của danh họa Picasso

Phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng trong tranh của Picasso

Đã có vô số phụ nữ đi qua đời ông. Cuộc đời ông đã để lại cho hậu thế hàng trăm bức tranh, 4 đứa trẻ. Dĩ nhiên, ông cũng để lại hai câu nói để đời về phái đẹp: "Phụ nữ là những cỗ máy đau khổ" và, "Đối với tôi, phụ nữ chỉ có 2 loại, thiên thần và rẻ rách”.

Giai đoạn hoa hồng với người phụ nữ ấn tượng đầu tiên

Fernande Olivier, người Picasso gặp năm 1904 là tình yêu lớn đầu tiên của người nghệ sĩ Tây Ban Nha này. Sự lười biếng và bừa bãi đến cứng đầu nhưng ẩn chứa tâm hồn sống động và độc lập của Olivier đã đưa cô trở thành một hình mẫu lý tưởng cho danh họa. Đối với Picasso, khi ấy còn trẻ tuổi, chỉ mới chân ướt chân ráo đến Paris từ Barcelona 2 năm. Bởi thế, kinh nghiệm của Picasso về phụ nữ giới hạn nghiêm trọng trong những tiếp xúc ít ỏi với gái mại dâm và những phụ nữ ngoan đạo. Với Picasso, Olivier dường như là một thách thức đến mê muội.

Ám ảnh sững sờ trước vẻ mệt mỏi yếu đuối của Olivier đã khiến Picasso chuyển từ chủ nghĩa lãng mạn thơ mộng (giai đoạn hoa hồng - Rose period) sang một phong cách mới kết hợp cả vẻ năng động của một Paris hiện đại với các giá trị truyền thống của nền văn hóa Địa Trung Hải mà ông đã từng vẽ. Năm 1906, Olivier đi cùng ông đến làng Gosol ở Pyrenees Tây Ban Nha, nơi kiến trúc truyền thống và những đặc điểm mạnh mẽ, gợi cảm vô tận của cô gái được phân tích và khai thác trong những bức tranh để cho ra đời một kiệt tác nổi tiếng, được xem là có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 - Demoiselles d 'Avignon.

Khi Olivier bỏ đi với một nghệ sĩ người Ý còn vị thành niên vào năm 1912 để khơi dậy cơn ghen của Picasso, danh họa này lại quay sang người bạn thân của mình, Eva Gouel, người khó nắm bắt nhất trong bảy phụ nữ. Yếu đuối và mảnh mai, cô xuất hiện chỉ trong hai bức ảnh và tính cách của cô vẫn là một bí ẩn. Thời gian Picasso cùng với Gouel trùng khớp với thời điểm của xu hướng lập thể tổng hợp, trong đó những yếu tố quan sát được tổng hợp thành tác phẩm bán trừu tượng, thường bao gồm cả nghệ thuật cắt dán và ngôn từ. Mặc dù Picasso không bao giờ vẽ Gouel, ông vẫn tỏ lòng tôn kính bà trong một vài bức tranh, bằng cách chêm vào những từ như Ma Jolie, my pretty one, đơn giản nhưng đây được xem là cử chỉ nghệ thuật công khai tình cảm nhất mà ông từng thực hiện với những phụ nữ của mình. Điều này tuy vậy cũng không ngăn cản được Picasso lao vào quan hệ tình cảm với Gaby Depeyre năm 1916, khi Gouel qua đời vì lao phổi.

Năm 1915, Picasso kết hôn với vũ công Nga Olga Khokhlova, đưa cuộc đời nghệ thuật của ông vào một giai đoạn mới với xu hướng đảo ngược hoàn toàn - từ thế giới trừu tượng hiện đại sang chủ nghĩa tân cổ điển tương đối bảo thủ, tiêu biểu với bức chân dung vẽ Khokhlova trong vẻ gò bó và thanh thản kiểu Jean Auguste Dominique Ingres từ thế kỷ 19. Tuy nhiên ham muốn về địa vị xã hội và sự giàu có của Khokhlova đã nhanh chóng làm Picasso cảm thấy nghẹt thở. Khi mối quan hệ của họ đổ vỡ và người đàn bà này ngày càng trở nên hoang tưởng, tư tưởng của Picasso cũng méo mó với sự chán ghét đàn bà không giấu giếm thông qua cách tra tấn họ bằng hình ảnh đầy những biến dạng của răng, chân tay và âm đạo.

Lạ & Cười - Bảy người đàn bà qua những bức họa của danh họa Picasso (Hình 2).

Danh họa Picasso

Dấu ấn tác phẩm qua những cuộc tình

Trong khi vẫn còn là vợ chồng với Khokhlova, Picasso bí mật đi lại với cô nhân tình 17 tuổi Marie-Thérèse Walter và duy trì mối quan hệ ngầm này trong suốt 8 năm. Với mái tóc vàng óng, tính khí ôn hòa và vóc dáng thể thao nhưng hoàn toàn không biết gì về nghệ thuật, Walter đã được bất tử trong hình ảnh của khoái lạc tình dục nóng bỏng bình dị, trong đó chúng ta cảm thấy sự thích thú vô tội của xúc cảm dâm dục của chính cô và sự thỏa mãn hoàn toàn của nghệ sĩ trong mối liên quan đó.

Nếu như Walter là hình ảnh có ít tính trí tuệ, thì nàng thơ tuyệt vời tiếp theo của Picasso lại là một người đàn bà thử thách Picasso với những khái niệm nghệ thuật của chính ông: Một họa sĩ và nhiếp ảnh gia từng đi theo chủ nghĩa siêu thực nghệ thuật. Lần đầu tiên Picasso gặp Dora Maar người phụ nữ quyến rũ mê hoặc có mái tóc đen bóng qua những chiếc bàn của quán Café aux Deux Magots, đang cầm con dao đâm vào giữa các ngón tay của cô đến bật máu. Picasso đã xin phép cô được giữ đôi găng tay dính máu này và mối quan hệ của họ bắt đầu. Khi Maar và Walter gặp nhau tại studio, cuộc tranh luận giữa hai người phụ nữ và một người đàn ông sau đó đã biến thành một trận đánh giữa những con mèo, họ lao vào cấu xé lẫn nhau, một cuộc xô xát mà Picasso sau đó đã mô tả như một trong những ký ức về sự lựa chọn căng thẳng của ông.

Maar là người tình của Picasso trong suốt giai đoạn tư tưởng chính trị đi sâu vào những tác phẩm của nghệ sỹ. Sự hỗn loạn trong nội tâm cô được thể hiện trong tác phẩm mang tính biểu tượng “Người đàn bà khóc” (Crying Woman) đại diện cho nỗi đau đớn của Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến.

Khi Picasso bỏ rơi Maar để đi theo Franoise Gilot năm 1943, cô gần như sụp đổ hoàn toàn về tâm lý và quyết định sống ẩn dật như một nữ tu. "Sau Picasso", cô từng nói "chỉ có Chúa." Câu nói đó vẫn còn tiếng vọng cho tới tận bây giờ.

Trường hợp của Gilot là trường hợp đặc biệt trong đó Picasso đã thất bại trong việc lái câu chuyện theo hướng ông mong muốn. Nghệ sĩ trẻ 21 tuổi đầy tham vọng này dường như đã “trừng trị” được sự tàn nhẫn và tính hư hỏng của Picasso. Với sự khôn khéo tuyệt vời bà là người phụ nữ duy nhất tự nguyện bỏ rơi Picasso trong sự nguyên vẹn ít nhiều của phẩm giá. Cô đã có hai đứa con với Picasso, cả hai đều được sống cuộc sống gia đình tương đối bình thường trong chín năm. Nhưng sự ổn định này có tốt cho nghệ thuật của Picasso hay không lại là vấn đề khác. Người nghệ sỹ đã nắm bắt những nét biểu hiện của Gilot và đưa vào hàng loạt các tác phẩm hội họa cũng như điêu khắc của mình, đưa sự nghiệp của ông lên đỉnh cao của sự nổi tiếng.

Tình yêu lớn cuối cùng của Picasso, người ông đã lấy cảm hứng để đưa vào hơn 400 bức chân dung, là Jacqueline Roque, người trở thành vợ chính thức của danh họa năm 1961. Điểm sắc nhọn của người con gái này là sự tĩnh lặng thận trọng gần như cổ điển gợi nhắc lại thời kỳ xanh (Blue period) của Picasso 70 năm về trước. Và Roque là người phụ nữ mang lại những giây phút thanh thản yên bình cuối đời của Picasso. Dầu vậy, câu chuyện của cô cũng kết thúc trong bi kịch. Năm 1986, 13 năm sau cái chết của Picasso, cô đã tự tử.

Kỳ lạ những số phận người đẹp hẩm hiu

Picasso chỉ có niềm đam mê chân thật và đau khổ đối với vỏn vẹn bảy người phụ nữ, một niềm đam mê được khám phá và thể hiện trong hàng chục, hàng ngàn bức tranh. Tuy nhiên, trong bảy người phụ nữ quan trọng nhất đi qua cuộc đời Picasso, hai người đã tự sát và hai người thì hóa điên. Một người khác chết chỉ sau khi quan hệ với danh họa bốn năm.

Minh Nguyệt


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star
Tag: eva

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.