Từ hai câu chuyện
Có hai sự kiện được báo chí đưa gần đây, mà nhìn bề ngoài dường như không liên quan, nhưng khi xâu chuỗi, lại giúp chúng ta soi tỏ một vấn đề mà nhiều người trăn trở. Đó là tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
Trước hết là sự kiện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn được đề nghị bồi thường 7,2 tỷ đồng. Vụ việc còn tồn tại nhiều tranh cãi về nguồn kinh phí, nhưng trước hết, nếu được thực hiện, đây sẽ là một vụ bồi thường “mang tính lịch sử”.
Trong chuỗi các thủ tục tố tụng từ Khởi tố, Điều tra, Truy tố, Xét xử và Thi hành án hình sự, bốn khâu đầu tiên rất quan trọng và có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó truy tố và xét xử phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra. Một cơ quan điều tra làm việc hiệu quả, là cho ra được một kết luận điều tra sát nhất với sự thật khách quan.
Ra được kết luận điều tra chứng minh người phạm tội hoặc không phạm tội, là quan trọng như nhau nếu nhìn từ góc độ muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó tất cả các thành viên của xã hội đều coi pháp luật là trên hết, là khuôn mẫu cho cách hành xử trong đời sống xã hội.
Cũng có thể nói rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng làm việc càng tuân thủ pháp luật, công bằng, khách quan với tinh thần nhân đạo bao nhiêu, thì Nhà nước và Pháp luật càng chiếm được lòng tin của nhân dân bấy nhiêu. Và ngược lại, những biểu hiện của sự tùy tiện chuyên quyền, sẽ khiến lòng tin của người dân bị xói mòn.
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn có lẽ sẽ còn được nói đến nhiều. Bởi nó là kết đọng của cả một hành trình gian nan đi tìm công lý suốt 10 năm trời. Bởi rồi đây, các cán bộ điều tra liên quan cũng sẽ bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời phía cơ quan công quyền cũng phải bồi thường một số tiền lớn lịch sử trong một vụ án oan sai. Không nhiều thì ít, chắc chắn nó sẽ góp phần làm thay đổi lề lối làm việc của từng cán bộ