Sáng 17/11, tại bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh, ông Lê Văn Nam, Giám đốc Bệnh viện đã có cuộc gặp gỡ với báo chí cũng như đại diện người nhà của bé trai N.M.Đ. (2 tháng tuổi, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) tử vong nghi do sốc phản vệ sau khi tiêm.
Trong cuộc gặp gỡ này còn có đại diện của sở Y tế Bắc Ninh, cơ quan công an cùng lãnh đạo bệnh viện Sản-Nhi Bắc Ninh.
Tại cuộc gặp, ông Lê Xuân Chìu (ông nội cháu Đ.) cho biết, chiều 16/11, sau khi nhận được tin dữ, ông chạy lên khoa Hô hấp của bệnh viện, tới phòng thì thấy con dâu đang khóc. Các bác sĩ rất đông nhưng không cho người thân vào.
Sau khi cháu Đ. được bệnh viện thông báo tử vong, Giám đốc Bệnh viện có mời ông lên để “đàm phán” và trao đổi sẽ đưa cháu xuống nhà xác, sau đó mai táng. Tuy nhiên, ông Chìu không đồng ý phương án này khi chưa có cơ quan pháp luật vào cuộc. Sau đó, Giám đốc bệnh viện mời cơ quan điều tra vào làm việc. Gia đình cũng đồng ý giám định pháp y cho cháu.
“Tại sao những ngày trước đó cháu cũng tiêm thì không sao, mà ở mũi tiêm trước khi ra viện lại bị như thế? Tôi mong cơ quan pháp luật làm rõ để cháu tôi được thanh thản. Nếu không tìm ra nguyên nhân thì chúng tôi rất đau khổ”, ông Chìu nói.
Chị Nguyễn Thị Gấm, mẹ cháu Đ. đặt câu hỏi về sự vô trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Bởi theo chị, trong lúc tiêm, pha thuốc, đội ngũ này còn cười đùa, thậm chí "tiêm trước, khám sau". Chị Gấm thắc mắc, vì sao không đặt nguyên nhân tử vong của con chị là do y, bác sĩ mà lại thiên về nguyên nhân kim tiêm và sốc phản vệ.
Đồng thời, người mẹ 21 tuổi vô cùng bức xúc khi cháu co quắp, mặt tím và yêu cầu bác sĩ khám lại thì nhận được câu trả lời từ bác sĩ tên Kiều Oanh là "chưa có gì bất thường, cứ yên tâm đi". Sau đó, bác sĩ Oanh còn mắng "mẹ chăm con phải để ý con".
Trên cơ sở các thông tin đã chia sẻ về diễn biến sự việc như đã trao đổi trước đó với các cơ quan thông tin đại chúng, ông Nam cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sai đến đâu bệnh viện xin nhận đến đó. Trường hợp bệnh viện không sai thì vẫn có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ gia đình bệnh nhi.
Lý giải về việc sau khi bệnh nhi qua đời, người nhà không hề thấy bóng dáng các y, bác sĩ, ông Nam chia sẻ: “Thời điểm sau khi sự việc xảy ra, cán bộ bệnh viện không có mặt vì một tổ công an làm việc với bác sĩ, một tổ khác làm việc với các cán bộ liên quan đến cán bộ điều trị và kết thúc làm việc đến tận 0h30 ngày 17/11”.
Theo ông Nam, sau sự việc này, bệnh viện sẽ cho họp hội đồng chuyên môn mời đại diện sở Y tế tỉnh Bắc Ninh rà soát lại toàn bộ quy trình tiếp nhận, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân. Về thông tin người nhà cho rằng, bác sĩ thiếu trách nhiệm, còn mải nói chuyện khi điều trị cho bệnh nhân, phía bệnh viện sẽ rà soát lại tinh thần cán bộ nhân viên y tế.
Trước nghi vấn của người nhà bệnh nhi Đ. về việc nhân viên y tế của bệnh viện tiêm nhầm thuốc dẫn tới sự cố đau lòng trên, ông Nam phủ nhận và nghĩ nhiều tới khả năng cháu bé bị sốc phản vệ.
Tuy nhiên, trước những giải thích từ phía vị Giám đốc, chị Gấm thấy chưa thỏa đáng. Đồng thời, người nhà yêu cầu kíp trực phải có mặt để giải thích trước ý kiến của người nhà.
Về đề nghị này của người nhà bệnh nhi, ông Nam trao đổi: “Đây là họp báo chứ không phải cơ quan điều tra, không phải hội đồng chuyên môn, còn với họ (kíp trực-PV) chúng tôi sẽ làm việc sau”.
Trước câu hỏi của người nhà về việc “tiêm trước khám sau có đúng không”, ông Nam cho biết: “Tôi không dám trả lời là do án tại hồ sơ và vẫn phải đợi”.
Nguyễn Huệ