Trước thông tin có trẻ 3 tuổi bỗng dưng đột quỵ khi đang ở nhà khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là các bậc cha mẹ có con nhỏ, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM).
Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ xuất huyết não ở bệnh nhi 3 tuổi là túi phình mạch máu não. Nhận định về vấn đề này, bác sĩ Khanh cho hay, cả về kích thước, vị trí và thời gian túi phình mạch máu não bị vỡ là không thể đoán trước. “Chỉ khi có dấu hiệu mới có thể biết được”, ông Khanh nói thêm.
Thông tin thêm về vấn đề này, bác sĩ cho hay, nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ nhỏ đều là những nguyên nhân rất cơ bản, có thể là do tắc mạch máu não hoặc dị dạng máu não gây ra.
Cụ thể, cả hai nguyên nhân kể trên đều là do bẩm sinh và không gây ra triệu chứng gì, bệnh nhân vẫn sinh hoạt và hoạt động bình thường, chỉ đến khi có triệu chứng, người nhà mới biết.
“Nếu là những bệnh ở ngoài da, trên tay chân thì dễ phát hiện, nhưng bên trong não thì chỉ khi nào đột ngột vỡ ra, gây tình trạng đột quỵ xuất huyết não mới biết được”, bác sĩ Khanh nhận định.
Nói về dấu hiệu đột quỵ ở trẻ nhỏ, bác sĩ Khanh cho hay ở người già và trẻ nhỏ đều không có sự khác biệt. Trẻ cũng có triệu chứng liệt nửa người, méo miệng, thậm chí là hôn mê.
Cũng theo bác sĩ Khanh, đột quỵ xảy ra khá nhanh và bất ngờ nên các phụ huynh thường đưa con đến các bệnh viện lớn để được điều trị kịp thời.
Thông tin thêm với PV, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, đột quỵ ở người trẻ đã xảy ra từ lâu chứ không còn là vấn đề mới. Đồng thời, thường không có tầm soát dị dạng máu não mà chỉ khi nào bệnh nhân có triệu chứng cụ thể mới cần bác sĩ thăm khám.
Trước đó, bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM thông tin về việc cứu sống bé trai tên T.N (3 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Long) bị đột quỵ xuất huyết não.
Theo đó, gần 1 tháng trước, khi bé N. đang chơi với bạn thì ngã xuống sàn nhà, co giật và bất tỉnh. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đến viện. Tại đây, các bác sĩ khoa cấp cứu đã làm xét nghiệm, chụp CT- scan sọ não và hồi sức, kết quả ghi nhận bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều. Sau khi được hồi sức ổn định, bé được chụp DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Kết quả khiến bé bị xuất huyết não là do túi phình mạch máu não.
Các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh tại bệnh viện đã lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân bằng cách đặt stent chuyển dòng để tránh tình trạng xuất huyết não thêm. Hiện, sau gần 1 tháng phẫu thuật và điều trị, sức khỏe của bé N. đã ổn định và chờ ngày xuất viện.
Đáng nói, phình túi mạch máu não thường chỉ gặp ở những người lớn tuổi và có thể gây tử vong. Tuy nhiên, ở thời đại ngày nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ tuổi.