Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ, ngày 13/12, bác sĩ có khám cho một bé gái 6 tháng tuổi được mẹ đưa vào viện vì ngực trẻ bị “đo đỏ” và có thiếu máu.
Tuy nhiên khi lật áo trẻ lên, bác sĩ Sang giật mình vì đó là vết bỏng. Lớp da trên ngực bé đã bị lột, vết thương đang chảy dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bác sĩ Sang cho biết: “Tôi gặng hỏi mãi mẹ bé mới nói là bé từ 3 tháng tuổi đã sổ mũi và hay khò khè về đêm, đi chữa ở dưới Cần Thơ nhiều lần nhưng không khỏi. Bà nội bé hỏi được thông tin dùng lá trầu không hơ nóng đắp lên sẽ giúp giảm khò khè”.
Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, bố mẹ bé đi làm, bà nội ở nhà tự hơ và đắp lên ngực bé... Khi đắp lên, bé quằn quại và khóc liên tục cả ngày. Đến chiều, bà nội sốt ruột nên gọi điện cho mẹ bé đang đi làm công nhân về đưa đi khám.
Bé gái đã phải nhập viện với chẩn đoán: Nhiễm trùng da - bỏng sâu độ IV/ Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc, tiên lượng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang khẳng định: “Không có bằng chứng khoa học nào, kể cả Đông y về hiệu quả của việc hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực chữa khỏi khò khè cho trẻ. Tất cả những cách chữa trị theo kiểu truyền miệng không có căn cứ khoa học đôi khi sẽ để lại hệ quả vô cùng nặng nề. Tôi mong mỗi người thân của trẻ sẽ suy nghĩ thật kỹ trước khi làm bất cứ điều gì liên quan đến sức khỏe của trẻ, tránh những hậu quả đau lòng cho con, cháu họ”.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết chuyển mùa, trẻ nhỏ không được giữ ấm cổ, ngực, tay, chân dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến có đờm trong đường thở. Trường hợp trẻ ho nhiều có đờm kèm theo sốt, thay vì áp dụng các biện pháp truyền miệng thì phụ huynh cần phải đưa đi khám sớm để, tránh để trẻ bị viêm phổi nguy hiểm hoặc các hậu quả tương tự trường hợp bé gái ở trên.