Bê bối đang lớn dần khi các cửa hàng lớn của Nhật thừa nhận họ bán thực phẩm có dán nhãn khiến hiểu sai rằng chúng là loại chất lượng cao hay sử dụng nguyên liệu đắt đỏ.
"Thật hết sức đáng tiếc vì nó làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin người tiêu dùng",AFP dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga hôm nay nói. "Cục Bảo vệ người tiêu dùng Nhật sẽ có những hành động nghiêm khắc theo luật", ông nói thêm.
Ông Suga phải lên tiếng sau khi chuỗi cửa hàng bách hóa hạng sang Takashimaya thừa nhận, họ dán nhãn loại tôm hàng đầu hay nước cam mới vắt đối với các sản phẩm kém chất lượng hơn trong nhiều năm liền.
Ví dụ, cửa hàng sử dụng tôm sú để làm patê "tôm he Nhật", bán dưới nhãn hàng Fauchon của Pháp. Tôm he Nhật được coi là loại tôm hàng đầu, với giá thành rất cao tại đất nước chuộng hải sản, trong khi tôm sú được bán đại trà.
"Thực tế là họ đã lừa dối khách hàng bằng cách khiến sản phẩm của họ có vẻ xa xỉ hơn bản chất", báo Asahi Shimbun viết trong phần bình luận trên trang nhất và kêu gọi luật pháp nghiêm khắc hơn.
Chuỗi khách sạn lớn Hankyu Hanshin Hotels, cũng thừa nhận nhà hàng của họ từ lâu đã dán nhãn sai thực phẩm trong thực đơn. Khách sạn Ritz-Carlton ở Osaka, do tập đoàn trên điều hành, khai họ dùng tôm rẻ tiền hơn, trong khi thực đơn ghi loại tôm đắt tiền.
Tokyu Hotels, tập đoàn điều hành 45 khách sạn, thú nhận rằng 22 nhà hàng và 7 địa điểm tổ chức tiệc cũng ghi nhãn thực phẩm dối trá, chủ yếu liên quan đến tôm và thịt bít tết.
Một khách sạn theo phong cách ryokan truyền thống ở Nara cũng cho biết họ dùng thịt bò Australia nhưng dán nhãn "wagyu", một loại thịt bò chất lượng cao của Nhật.
Thực phẩm Nhật gây dựng được danh tiếng trên toàn thế giới về chất lượng và sự an toàn, vì vậy những nhà sản xuất các sản phẩm xa xỉ có thể tính giá cao ở quê nhà và nước ngoài.
Theo VnExpress