Các bác sỹ thực hiện ca cấp cứu cho biết, cháu Hà bị chấn thương sọ não, tụ máu bầm nên phải tiến hành phẫu thuật gấp với hy vọng sống rất mong manh. Sự việc xảy ra không chỉ khiến cho người dân nơi đây bức xúc mà nhiều chuyên gia còn đặt ra câu hỏi có hay không cô giáo mầm non đã dùng bạo lực đánh cháu Hà đến nguy kịch.
Nghi vấn trẻ 16 tháng tuổi bị bạo hành
Ngày 20/12, cơ quan CSĐT công an TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào cuộc điều tra làm rõ về hiện trạng của ngôi nhà giữ trẻ không phép (tại địa chỉ K3/87D, khu phố 2, P. Bửu Hòa, TP. Biên Hòa) do bà Nguyễn Thị Thu Vân (42 tuổi) làm chủ. Đây chính là nơi xảy ra vụ việc bé Nguyễn Ngọc Hải Hà (16 tháng tuổi) phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ói và hơi thở yếu ớt. Hiện bé Hà đang phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) với tình hình sức khỏe không mấy khả quan.
Bà Lê Thi Hương đau buồn trước sự việc xảy ra với cháu mình (ảnh Thơ Trịnh).
Ngày 21/12, PV tìm đến gia đình cháu Hà tại phường Bửu Hòa. Trò chuyện với PV, chị Lê Thị Hương (38 tuổi, bác ruột cháu Hà) cho hay: “Bé Hà mới đi nhà trẻ được 3 ngày thì xảy ra chuyện. Theo đó, vào khoảng 7h30 sáng 18/12, cha bé Hà chở cháu đi gửi tại nhà trẻ của bà Vân trong tình trạng bé hoàn toàn khỏe mạnh, tỉnh táo. Đến hơn 9h thì tôi nhận được điện thoại cầu cứu của mẹ bé, nói rằng cô Vân vừa báo tin bé Hà đang trong tình trạng nguy kịch.
Lúc chúng tôi chạy đến nhà trẻ thì thấy cổng khóa kín mít. Vừa bước vào trong phòng, tôi nhận thấy có mùi nôn ói nồng nặc, bé Hà đang nằm trên tấm đệm giữa phòng. Cháu nằm im lặng, mặt tái xanh, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Cô Vân cho biết do bé ói nhiều mệt nên ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, tôi lay cháu rất mạnh mà bé vẫn không có phản ứng. Ngay lập tức, tôi và mẹ bé đã la lên và đưa bé đi cấp cứu... Bác sỹ kết luận cháu bị chấn thương sọ não gây tụ máu bầm trong não nên phải mổ gấp. Mặc dù đã tiến hành phẫu thuật, nhưng tình trạng của bé ngày càng nghiêm trọng. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đặt niềm hy vọng cháu sẽ sống”.
Sau khi làm việc với gia đình bé Hà, PV đã tìm đến nhà trẻ và cũng là địa chỉ thường trú của bà Vân. Kể từ ngày xảy ra vụ việc, nhà bà Vân luôn trong tình trạng khóa kín cổng, riêng bà Vân đã nhiều ngày không có mặt tại nhà. Một số ý kiến cho rằng, có thể bà Vân đã đánh cháu Hà dẫn đến cháu bị chấn thương sọ não. Trái lại, một vài người sống gần nhà bà Vân cho hay, bà Vân là người phụ nữ rất hiền lành, tử tế, lại chăm sóc trẻ rất kỹ nên chuyện xảy ra là điều ngoài ý muốn. Điều đáng trách hơn cả là khi cháu Hà xảy ra chuyện, bà Vân đã không biết cách xử lý kịp thời khiến thời gian kéo dài, dẫn đến tình trạng cháu ngày càng nguy kịch.
Cháu Hà đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Vì sao được hoạt động không giấy phép gần 1 năm nay?
Trao đổi với PV, nhiều người dân ngụ gần nhà trẻ của bà Vân cho biết, bà Vân đã nhận giữ trẻ gần một năm nay. Còn việc bà Vân có giấy phép kinh doanh hay không, thì chỉ có các cơ quan chức năng mới biết được. Trong khi đó, giải thích về vấn đề này, một lãnh đạo UBND phường Bửu Hòa cho biết, đây là điểm giữ trẻ chưa được cấp phép. Điểm giữ trẻ của bà Vân chỉ phát sinh trong một tháng nay thì phường đã phát hiện và yêu cầu làm hồ sơ để kiểm tra. Được biết, sau khi bà Vân làm cam kết, phường đã cấp mẫu hồ sơ quy định cấp phép giữ trẻ để làm thủ tục. Tuy nhiên, khi phường đang chuẩn bị lập đoàn kiểm tra để lập biên bản thì xảy ra sự việc nói trên.
Cũng liên quan đến việc giữ trẻ trái quy định của bà Vân, một đại diện lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo TP. Biên Hòa cho biết, bà Vân mới có giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp dưỡng được 6 ngày. Trong khi, để xin thành lập nhóm lớp từ 3-5 trẻ thì người giữ trẻ phải học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ít nhất 3 tháng. Sau đó, phường kiểm tra cấp phép thành lập, rồi phòng mới cấp phép hoạt động. Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao bà Vân lại hoạt động giữ trẻ nhiều tháng nay mà không hề được cấp giấy phép?
Dưới góc độ của một chuyên gia tâm lý, thạc sỹ tâm lý xã hội Phan Thị Kim Huyền, trung tâm tham vấn Tâm Lý Việt (TP.HCM) cho biết: “Việc phát hiện cháu Hà có biểu hiện bất thường mà bà Vân không đưa đến trung tâm y tế để được cấp cứu kịp thời cho thấy bà Vân không có sự hiểu biết về chuyên môn y học. Về vấn đề này, người ta có thể thông cảm cho bà Vân nhưng không thể đồng cảm bởi điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng của cháu bé.
Hơn nữa, nếu thật sự bà Vân có liên quan đến việc chấn thương sọ não của cháu bé thì không còn một từ ngữ nào để diễn tả cảm xúc trong trường hợp này được nữa. Nếu có sử dụng bạo lực đánh đập trẻ thì đây chẳng khác nào hành vi tội ác. Hành vi này đã đi ngược lại so với quy phạm tâm lý giáo dục mầm non và tâm lý xã hội. Đặc biệt, hành động bạo lực trẻ trong giáo dục mầm non này đi ngược lại với tinh thần nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người”.
Nhiều nhóm giữ trẻ chưa được cấp phép Trao đổi về tình trạng hoạt động của hệ thống nhóm lớp giữ trẻ tại TP. Biên Hòa, một lãnh đạo phòng Giáo dục – Đào tạo TP. Biên Hòa cho biết, hiện có 448 nhóm lớp giữ trẻ được 30 phường xã cấp phép thành lập nhưng phòng chưa cấp phép hoạt động. Ngoài ra, còn có 50 nhóm giữ trẻ chưa được cấp phép. Mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng phát sinh hàng loạt cơ sở giữ trẻ tự phát là do nhu cầu gửi trẻ ngày càng lớn nhưng trường công lập thiếu cơ sở. |
Thơ Trịnh – Hoài Thương