Bệnh nhân tên Nguyễn Ngọc Phương D. (sinh tháng 8/2015, quê ở Phú Yên) nhập viện ngày 25/12/2016 trong tình trạng cổ và vùng dưới cổ bị sưng do tràn khí. Trước đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến khám tại địa phương, nhưng do nhận định cổ họng bị tổn thương nặng nên các bác sĩ yêu cầu chuyển ngay lên bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM để cấp cứu kịp thời.
Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Thảo, mẹ bé D. cho biết: Trước khi nhập viện, bé D. được cô giáo trông trẻ chăm sóc, trong lúc sơ hở, con tôi ngậm thìa to để chơi. Ở giai đoạn chập chững tập đi, con tôi không may bị ngã, chiếc thìa mắc luôn vào cổ họng. Thấy thế, cô giáo cố kéo chiếc thìa ra khỏi miệng con tôi, nhưng đã bị ra máu.
Sau đó, từ sáng đến trưa cô tiếp tục cho cháu uống sữa và ăn cơm. Đến chiều, hiện tượng chảy máu vẫn tiếp tục, cổ họng sưng to nên cô giáo báo gia đình biết. Chúng tôi đưa con cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên nhưng được chỉ định chuyển lên tuyến trên là bệnh viện Nhi đồng 1 để cấp cứu kịp thời”.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi tiến hành thăm khám và cho Chụp CT ngay lập tức lúc đó. Kết quả cho thấy cổ họng bị tổn thương nặng, tràn khí trung thất, tràn khí dưới da vùng cổ, tràn dịch màng phổi, áp xe trung thất. Có một đường rách ở thực quản dài 7cm.
Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhi xấu, nếu chậm trễ sẽ tử vong. Sau đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật mở cạnh cổ để dẫn lưu mủ ra khỏi thực quản nhiều lần, sau đó thay băng mỗi ngày. Do nhiễm trùng nặng nên các bác sĩ mở dạ dày qua da để cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhi, không cho ăn qua đường thực quản.
Đến nay, thực quản đã được may lại, bệnh nhi đã có thể uống nước bình thường, khỏe mạnh và hồng hào.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, người lớn khi thấy dị vật đâm vào cổ họng trẻ không nên tự ý lấy ra, mà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ can thiệp. Không nên cho trẻ ngậm hạt dưa, hạt điều, mứt ngày tết, để hạn chế tai nạn cho trẻ ngày tết.
Lành Nguyễn