Theo thông tin từ khoa chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị cho bé B.A. (29 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng tím tái, lòng bàn tay trái cháy đen.
Chị Th. (mẹ cháu B.A.) kể lại, cháu A. chơi cùng chị gái 5 tuổi khi người nhà đang nấu cơm. Thấy điện thoại đang sạc pin, cháu A. rút sạc điện thoại để chơi thì bị điện giật. Bé nằm bất tỉnh, tím tái, lòng bàn tay cháy đen.
Nhờ có hàng xóm gần nhà giúp đỡ ngay lúc đó bé đã được sơ cứu bằng cách ép tim. Sau khi bé tỉnh lại, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến cấp cứu tại cơ sở y tế địa phương và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương điều trị.
Chị Th. mẹ bé chia sẻ: "Tôi rất sốc và hoảng sợ. Trước đó, tôi cũng từng biết qua các trường hợp bị điện giật do sạc điện thoại qua báo đài, nhưng không nghĩ sự việc này lại xảy ra với con mình".
ThS.BS CKII Phùng Công Sáng – Phụ trách đơn vị Bỏng –Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi tại khoa cấp cứu chống độc, trẻ đã được đánh giá và điều trị nguy cơ về tim mạch và nguy cơ suy thận cấp. Khi tình trạng trẻ ổn định, các bác sĩ đã tiến hành mổ cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da vùng bàn tay (tổn thương hoại tử cả da cân cơ và xương bàn ngón tay) để giữ lại bàn tay cả về chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.
“Sau phẫu thuật, hiện trẻ đã ổn định, tuy nhiên việc phục hồi cho trẻ còn cần nhiều thời gian”, BS Sáng cho hay.
Qua sự việc, bác sĩ Sáng thông tin thêm, các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, có đầu ra điện áp rất thấp. Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi, vẫn có thể gây nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, vốn rất hiếu động, tò mò, tai nạn liên quan đến sạc điện thoại xảy ra không hiếm, chủ yếu do các bé nghịch sạc điện thoại vẫn cắm vào nguồn điện hoặc do cầm điện thoại chơi khi đang sạc.
BS Sáng khuyến cáo, để tránh những tai nạn thương tâm và đáng tiếc xảy đến với trẻ nhỏ liên quan đến điện, cha mẹ cần lưu ý:
- Luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị che bảo vệ.
- Không để bé chơi điện thoại trong khi đang sạc pin.
- Đặt điện thoại đang sạc ở xa tầm với của bé.
- Đảm bảo dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách.
- Nhà có trẻ nhỏ cha mẹ cần luôn có người trông coi, theo dõi thật cẩn thận.
Xử trí như thế nào khi trẻ bị bỏng điện?
Theo BS Sáng, khi trẻ bị bỏng điện, cần tách nạn nhân với nguồn điện (ngắt cầu dao, dùng gậy gỗ gạt dòng điện cao) một cách nhanh nhất có thể. Nếu trẻ bị nạn ở trên cao, phải bố trí đỡ trẻ khi bị rơi và đưa người bệnh đến nơi thoáng mát.
Gia đình cần tiến hành đánh giá hô hấp tuần hoàn, ý thức trẻ và tìm xem các chấn thương khác nếu có ngã kèm theo, để tìm cách sơ cứu, tránh làm tổn thương cột sống cổ hoặc các chi (nếu có) bị nặng thêm. Nếu trẻ ngừng tuần hoàn, cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực đúng cách đồng thời gọi y tế hỗ trợ.
Gia đình chỉ nên di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế khi trẻ đã được sơ cấp cứu ban đầu. Chỉ tiến hành xử trí vết bỏng điện khi trẻ không có rối loạn toàn thân. Bác sĩ khuyến cáo, không nên chườm đá, bôi thuốc mỡ hay bất cứ thứ gì lên vết bỏng, chỉ nên rửa sạch vết bỏng và phủ gạc sạch lên.
Hồng Anh (t/h theo Tuổi trẻ Online, Vietnamnet)