Bé gái 3 tuổi có tới 4 quả thận cùng hoạt động

Bé gái 3 tuổi có tới 4 quả thận cùng hoạt động

Thứ 4, 24/07/2013 09:56

Gần 3 tuổi nhưng bé Phạm H.C. (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa thể tự chủ được việc tiểu tiện, luôn trong tình trạng tiểu rỉ.

Suốt gần 3 năm qua, gia đình đã vất vả trong sinh hoạt củ cháu bởi cứ một phút, nước tiểu lại rỉ ra một lần. Những bất tiện đó chỉ được giải quyết khi các bác sĩ phát hiện ra trong ổ bụng em bé có tới 4 quả thận cùng hoạt động.

Gia đình - Bé gái 3 tuổi có tới 4 quả thận cùng hoạt động

Con hiếm muốn lại mắc dị tật quái ác

Mẹ cháu C. cho biết ngay từ khi vừa chào đời, tình trạng tiểu rỉ liên tục như trên ở con gái chị đã xuất hiện và kéo dài cho tới tận ngày nay. Do không biết con có tới 4 quả thận nên gia đình chị cho rằng hệ bài tiết của cháu bé chưa hoàn thiện, gây nên tình trạng  khó chịu như trên. Vì thế gia đình hy vọng theo thời gian, khi cháu ngày một trưởng thành, hệ bài tiết sẽ ổn định và tình trạng tiểu rỉ sẽ chấm dứt.

Tuy nhiên, mọi chuyện không như mong muốn. Càng lớn, tình trạng của cháu bé càng tệ hơn khiến cả gia đình lo lắng. Sợ con bị hăm, viêm nhiễm vùng kín, người mẹ không dám đóng bỉm cho con suốt ngày mà chỉ dám đóng bỉm ban đêm, còn ngày thì để bé tiểu tiện tự do. Vì nước tiểu liên tục rỉ ra nên em bé không được mặc quần, chỉ được lót khăn xô để giảm bớt viêm nhiễm. Vì thế mà mẹ của bé từ sau ngày sinh con đã phải nghĩ làm chỉ để ở nhà phục vụ, chăm sóc và thay khăn xô cho bé.

Bản thân cháu C. cũng đã có phản xạ không điều kiện với tình trạng này do việc thường xuyên phải đóng khăn xô đã diễn ra quá lâu. Khi bé được hơn 2 tuổi, tự cháu đã nhận thức được phải lót khăn xô trước khi mặc quần áo mỗi lần cùng bố mẹ ra ngoài đi chơi.

Bé C. được GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thăm khám và phẫu thuật. Khi khám cho bé, bác sĩ Liêm cho biết những phiền phức này vẫn còn là vấn đề nhỏ nếu so với nguy cơ nhiễm trùng máu do tình trạng tiểu rỉ gây ra. Do nước tiểu rỉ liên tục vào bộ phận sinh dục nên nếu vệ sinh không sạch sẽ, bệnh nhân có thể bị viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm cho tính mạng. Đây cũng là lý do khiến bố mẹ cháu tháng nào cũng phải vào bệnh viện làm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu cho con để chắc chắn con được an toàn.

Do hiếm muộn, có con bằng cách thụ tinh ống nghiệm nên gia đình cháu C. càng quyết tâm chạy chữa cho cháu bé dứt điểm. Mẹ cháu bé cho biết, chị đã sinh đôi sau lần thụ tinh ống nghiệm cách đây gần 4 năm, trong đó, cháu bé còn lại sức khỏe bình thường, chỉ có cháu C. là có vấn đề trong việc đi tiểu tiện.

Mổ nội soi giữ lại ba quả thận

Sau một thời gian dài khá mệt mỏi với kiểu sống và sinh hoạt như trên, nên gia đình đã không tiếc công sức và tiền bạc đưa cháu đi khám ở các bệnh viện hàng đầu ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại các bệnh viện này, qua các biện pháp chuẩn đoán như chụp X- Quang, siêu âm, UIV, xạ hình... các bác sĩ của bệnh viện đã phát hiện cháu bị trường hợp thận - niệu quản đôi cả hai bên, tức là có tới… bốn quả thận. 

Trong đó, niệu quản nối thận phụ trái đã bị “cắm” sai vị trí, thay vì đổ về bàng quang lại thông ra âm đạo. Tình trạng này gây nên hiện tượng đái rỉ, đồng thời do lỗ thoát nước tiểu bé nên nước tiểu bị ứ đọng làm giãn niệu quản, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nước tiểu.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật nội soi cho cháu bé để giải quyết tình trạng tiểu rỉ do có tới 4 quả thận gây ra. Sau khi thăm khám, chụp hệ thống thận tiết niệu 3D bằng máy chụp cộng hưởng từ MRI 3Tesla, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Cháu còn quá nhỏ nếu can thiệp phẫu thuật thông thường (mổ phanh) thì gây rất nhiều sang chấn cho trẻ vì nhiều cơ của thành bụng sẽ bị cắt ngang. Mặt khác, bệnh nhân là bé gái nên mổ phanh sẽ ảnh hưởng về thẩm mỹ sau này. Chính vì thế, chúng tôi quyết định chọn phương án khó là mổ nội soi để xử lý phần niệu quả trái đã giãn to và xử lý quả thận phụ đã bị suy chỉ còn 6% công suất”.

Đứng trước nhiều thách thức, song may mắn là cuối cùng, ca mổ đã thành công. Kết quả phẫu thuật cho thấy, bệnh nhi H.C. nhanh chóng hồi phục với 3 quả thận khỏe mạnh và các đường niệu quản “đúng trật tự”. 

Chỉ 4 giờ sau mổ, bệnh nhi đã hoàn toàn tỉnh táo và sau 48 tiếng cháu đã có thể ăn nhẹ, ngồi và chơi các trò chơi điện tử yêu thích. Hết 5 ngày, H.C. xuất viện với 3 vết rạch nhỏ đã khô chỉ.

Từ khi phẫu thuật xong, cháu không còn tiểu rỉ nữa nên đã có cảm giác mắc tiểu như người bình thường. Cháu rất thích được ngồi bô tiểu thoải mái, vì thế bất kể ai ngồi trước mặt thì cháu cũng không giấu được niềm hạnh phúc khi được đi tiểu vào bô.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm khuyến cáo, các gia đình có con bị tình trạng bất thường về hệ tiết niệu như đái khó, đái rỉ, đái rắt cần đưa bé đi thăm khám kịp thời và có biện pháp điều trị sớm; tránh để lâu sẽ phải dùng các biện pháp can thiệp phức tạp và đặc biệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống không chỉ của bé mà còn của cả gia đình.

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.