Một cô bé 9 tuổi - danh tính không được công bố sinh sống tại thành phố Alice Spring (Australia) đã phải nhập viện sau khi bị một con rắn nâu vua có nọc độc cực mạnh cắn vào cả hai chân trong lúc ngủ.
Nhớ lại chuyện kinh hoàng, ông Jason Phillips, cha của cô bé, cho biết: "Chúng tôi nghe tiếng con bé hét lên vào lúc 21h30, khoảng một giờ sau khi nó đi ngủ. Chúng tôi không biết điều gì đã xảy ra và nghĩ rằng cô bé đã gặp ác mộng".
Sau khi nghe cô bé nói chân mình bị đau, cha mẹ lật ga trải giường lên và phát hiện con rắn lạ đang nằm chềnh ềnh trên nệm. Cô bé đã được bố mẹ sơ cứu vết thương và nhanh chóng đưa em đến bệnh viện. Họ cũng nhốt con rắn bên trong phòng ngủ và gọi cho người bắt rắn chuyên nghiệp để xử lý.
May mắn vết thương của em gái không quá nặng và dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Các chuyên gia đã đến kịp thời bắt con rắn lạ, họ bàng hoàng thông báo con rắn đã cắn vào chân bé gái thuộc loài rắn nâu vua. Loài rắn này còn biết đến với cái tên rắn Mulga, và là một trong những loài rắn có nọc độc mạnh nhất trên thế giới.
Một con rắn Mulga trưởng thành có thể dài 2-3m và nặng đến 6kg. Chúng có phạm vi sinh sống khá rộng và được tìm thấy ở hầu hết bang của Australia. Chúng có cái đầu lớn và má phình to. Màu sắc trên cơ thể chúng cũng thay đổi theo từng phạm vi sống, từ nâu nhạt đến nâu đen, đen.
Mặc dù không có nọc độc mạnh như rắn Taipan nội địa Úc (loài rắn trên cạn độc nhất hành tinh) nhưng Mulga lại sở hữu lượng nọc độc trong mỗi cú cắn nhiều hơn bất cứ loài rắn nào trên thế giới.
Trung bình, trong mỗi cú cắn của rắn Mulga, nó sẽ tiết ra khoảng 150mg nọc độc trong khi các loài rắn khác trung bình tiết từ 10 đến 40mg nọc độc có thể phá hủy các tế bào máu, gây độc cho cơ (ảnh hưởng đến cơ bắp) và cũng gây độc thần kinh (ảnh hưởng đến tế bào thần kinh).
Rắn Mulga lại khác biệt hoàn toàn với các loài rắn độc khác trên thế giới, chúng thường tấn công khi con người đang say ngủ. Các nhà khoa học lo ngại hơn là rất có thể loài rắn độc này bị "cuồng" thân nhiệt nóng từ cơ thể người ngủ say. Chúng đã "mất vị giác" với loài gặm nhấm và muốn thứ gì đó ngon hơn.
Tính khí của rắn Mulga cũng thay đổi theo khu vực sinh sống. Rắn Mulga miền Nam thường nhút nhát và chịu nằm yên một chỗ, trong khi Mulga miền Bắc dễ bị kích động khi bị làm phiền hoặc cảm thấy đe dọa. Khi đó, chúng sẽ rít lên thành tiếng lớn, nâng thân người lên cao như rắn hổ mang, đầu chuyển động linh hoạt và sẵn sàng tấn công kẻ thù.
Nguyên Anh (Nguồn Canberra Times)