Theo tin từ bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân P.T.T. (14 tuổi, Hải Dương) mắc ung thư trong giai đoạn điều trị hóa chất bị thủy đậu "tấn công" đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Hiện, bệnh nhân T. đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Các bác sĩ cho biết, thủy đậu vốn khá lành tính với trẻ em nhưng bệnh nhân T. bị u lympho đã điều trị hóa chất nên rơi vào tình trạng nguy kịch.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân T., PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cảnh báo đang sắp vào mùa thủy đậu (từ tháng Hai đến tháng Năm, trong đó, đỉnh dịch thường rơi vào tháng Ba), người dân cần chủ động phòng bệnh. “Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh và nên được bảo vệ bằng vắc-xin. Tuy số mắc nhiều, dễ lây lan nhưng thủy đậu là một bệnh lành tính nên vắc xin chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng”, TS. Phu lưu ý.
TS. Trần Đắc Phu cho hay, thời gian từ khi khởi phát đến khi bình phục mất từ 7 – 10 ngày. Tình trạng viêm da bội nhiễm do thủy đậu rất dễ xảy ra nếu chăm sóc trẻ không đúng cách, để lại các sẹo lõm trên da. Thủy đậu cũng có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê… Đặc biệt ở những người có miễn dịch yếu như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những bệnh nhân khi nhiễm thủy đậu nguy cơ gây biến chứng càng cao.
Cách phòng bệnh thủy đậu:
-Giữ vệ sinh sạch cho trẻ, cắt móng tay để trẻ không gãi nốt thủy đậu. Khi tắm, vệ sinh cho trẻ bằng khăn mềm, không gây vỡ nốt phỏng làm lây lan khắp cả người.
-Sau khi lau rửa, lại dùng khăn xô khô thấm người, rồi mặc cho trẻ quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát.
-Thủy đậu dễ lây qua đường hô hấp và lây do tiếp xúc với mụn nước hoặc các dụng cụ sinh hoạt có chứa siêu vi trùng này, vì vậy cần cách ly người bệnh.
-Cần vệ sinh phòng ốc, giường chiếu, ga đệm sạch sẽ. Cho trẻ nằm trong phòng kín gió nhưng không được ẩm thấp và cần nhớ luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
-Khi bị vỡ, trợt nhiều nốt đậu, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được điều trị.
N.Giang