Theo thông tin từ cơ quan chức năng, sáng 15/2 (mùng 6 Tết Quý Tỵ), Nguyễn Thị Trâm, nhân vật mất tích bí ẩn cách đây 4 năm (trước đây ngụ tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã bắt xe từ quận 5 (TP.HCM) về thẳng UBND xã Tân Hội để xin làm chứng minh nhân dân. Sự việc này làm cho gia đình nhận nuôi Trâm được giải oan sau bao năm bị người dân địa phương soi mói, cô lập. Giờ ngẫm lại, sự việc 4 năm qua đối với họ như là một cơn ác mộng.
Đứa cháu "đã chết" trở về
Trước sự việc vô cùng hy hữu xảy ra, PV Người Đưa Tin đã tìm về nhà ông Võ Văn Quân, bà Nguyễn Thị Ngàn (ông bà nuôi của Trâm, ngụ tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy) để tìm hiểu. Đây là hai người chịu nhiều điều tiếng nhất trong vụ việc này. Nói chuyện với chúng tôi, ông Quân vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh ấy: "Vào tháng 4/2009, tôi đang làm ruộng cách nhà mấy chục cây số thì bị đau bụng dữ dội nên điện thoại bảo bà xã đem thuốc vào chữa trị. Sau đó vì trời mưa lớn nên vợ chồng tôi không thể về nhà được. Sáng hôm sau trở về thì mới biết Trâm trong đêm tối đã mang theo một số vật dụng thường ngày và bỏ nhà ra đi. Ngay lập tức gia đình tôi tỏa đi tìm kiếm khắp các ngõ ngách nhưng không có kết quả. Sau đó chúng tôi đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng, nhờ họ điều tra làm rõ sự mất tích bí ẩn của Trâm".
Ngôi nhà của ông Quân, bà Ngàn được cho là nơi chôn xác Trâm
Nhân được tin báo, lực lượng công an xã Tân Hội nhanh chóng vào cuộc xác minh. Quá trình điều tra cho thấy, trước lúc ra đi, Trâm từng tâm sự với các bạn của mình là buồn chuyện gia đình nên muốn bỏ đi để tìm cuộc sống mới. Trước khi đi, Trâm còn tới một tiệm vàng trên địa bàn bán đôi bông tai làm lộ phí để lên đường. Hơn nữa một số người còn nhìn thấy một người hành nghề xe ôm chở Trâm đi. Từ những chứng cứ trên kết hợp với lời khai của người nhà của cô gái, công an xã Tân Hội xác định Trâm đã tự ý bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, khoảng tháng 7/2009, nhiều đối tượng tại địa phương tung tin đồn rằng, em Trâm bị người nhà của bà Ngàn sát hại sau đó giấu xác.
Trao đổi với PV về sự việc này, bà Ngàn cho biết: "Vào khoảng tháng 7/2009, dưới con kênh trước nhà tôi có một con chó bị chết bốc mùi nồng nặc khiến nhiều người hiểu lầm. Người dân cho rằng đó là mùi hôi của xác Trâm bị chúng tôi che giấu nên đến kiểm tra thực hư. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã tung tin đồn mê tín như đêm nằm "chiêm bao" thấy Trâm về báo mộng rằng mình bị sát hại và chôn trong nhà bà Ngàn. Tin đồn này ngày càng lan rộng, mới đầu chỉ vài người tới xem, rồi vài chục người, đỉnh điểm lên tới cả ngàn người. Thầy bói khắp nơi đổ xô đến nhà thắp nhang khấn vái loạn xạ, người dân thì đập phá nhà cửa… tính mạng của chúng tôi cũng bị đe dọa. Lúc đó lực lượng chức năng cũng không thể ngăn cản trước sự phẫn nộ mù quáng của hàng ngàn người dân".
Trong lúc kích động, người dân đã đập phá nhà cửa, đồng thời đào xới, lật tung vườn tược của nhà bà Ngàn. Chính vì vậy, đầu tháng 7/2009, công an huyện Cai Lậy đã khởi tố 12 đối tượng, bắt giam 9 người. Xác định 2 kẻ chủ mưu gây rối là Lê Thị Điệp (61 tuổi, hàng xóm, có tranh chấp đất đai với bà Ngàn) và Chế Thị Ngọc Hương (26 tuổi, tiếp viên một quán bia ở thị trấn Cai Lậy). Qua xác minh, 2 đối tượng trên đã trực tiếp bỏ chi phí thuê người đập phá, xông vào đào bới nhà bà Ngàn nhằm tìm xác của Trâm. Thời gian đó, sự việc đã lôi kéo khoảng hơn 1.000 người dân tham gia khiến cho an ninh trật tự của địa phương bị rối loạn. Sự mất tích của em Trâm đã làm một gia đình khốn đốn và náo loạn một vùng quê vốn yên bình. Những nghi kị, đồn thổi vẫn tiếp diễn sau khi công an vào cuộc và khởi tố những kẻ cố tình đập phá, đào bới nhà bà Ngàn.
Ông Quân, bà Ngàn kể lại sự việc cho PV
Mong muốn cháu Trâm được trở về
Nhớ lại ngày đầu tiên con gái mình nhận Trâm làm con nuôi, ông Quân bùi ngùi kể: "Con gái của tôi không thể có con, nên nó muốn có được một đứa con nuôi. Nghe một số người cho biết cách đó không xa có một gia đình vì hoàn cảnh nghèo khó nên muốn cho con để người khác nuôi. Được biết gia đình này có hai đứa con thường xuyên bị bỏ đói do hoàn cảnh quá túng thiếu. Xét thấy hoàn cảnh của gia đình mình cũng còn khó khăn nên tôi chỉ nhận bé Trâm về nuôi. Sau khi làm các thủ tục giấy tờ cam kết và gửi cho gia đình bé Trâm một khoản tiền để nuôi em của cháu, chúng tôi đã dẫn gia đình Trâm ra thăm nhà. Trong thỏa thuận, gia đình của Trâm có quyền tới thăm con bất cứ lúc nào nhưng đã cho thì không được lấy lại".
Tưởng chừng mọi việc tới đây đã êm xuôi thì lại xảy ra biến cố. Con rể của ông không đồng ý nhận nuôi Trâm với lí do "không phải máu mủ của mình thì không nuôi". Từ thực tế bắt buộc, ông Quân và bà Ngàn mặc dù đã cao tuổi, sức yếu nhưng vẫn phải nuôi bé Trâm khi đó mới 6 tuổi đầu. Bà Ngàn cho biết, ông bà nuôi nấng cháu của mình bằng tình thương yêu vô hạn. Trâm bắt đầu cuộc sống mới, được cắp sách tới trường như những người bạn cùng trang lứa. Thời gian thấm thoắt như thoi đưa, khi Trâm học lớp 9 thì tự ý nghỉ học. Bà Ngàn thương đứa cháu còn dại dột nên đành cho cháu học nghề hớt tóc để sau này có thể tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên những dự định của gia đình bà vẫn dang dở khi Trâm đột ngột "biến mất".
Lí giải về nguyên nhân vì sao năm 2009 người dân địa phương trên địa bàn lại tỏ ra gay gắt với gia đình ông như vậy, ông Quân cho rằng: "Tuy yêu thương Trâm hết mực nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở, dạy dỗ bằng những lời răn đe, giáo dục. Có lẽ vì mọi người cho rằng Trâm không phải con ruột nên nhiều người hiểu theo ý chủ quan rằng chúng tôi không hề yêu thương, thậm chí bạc đãi Trâm. Hơn nữa gia đình chúng tôi cũng có mâu thuẫn, tranh chấp đất đai với nhà hàng xóm nên họ đã đặt điều, vu khống hòng hãm hại chúng tôi. Đến tận bây giờ, tôi cũng chưa biết vì sao Trâm ra đi và đi với ai. Hiện tại tôi và vợ cũng chỉ nghe thông tin Trâm về làm chứng minh nhân dân và đã trở về TP.HCM, ngoài ra không còn biết thông tin gì thêm".
Không giấu được nỗi bức xúc khi nhớ lại những sự việc đã xảy ra ông Quân tâm sự: "Hiện tại gia đình chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng điều tra làm rõ vì sao Trâm lại bỏ đi. Ai xúi giục những người phá hoại nhà cửa, làm tổn hại đến danh dự của chúng tôi. Thêm nữa, vợ chồng tôi mong chính quyền địa phương mở một cuộc họp dân đón cháu Trâm từ TP.HCM về để ra mắt bà con, lối xóm". Bé Trâm cũng cho hay, trong thời gian sớm nhất em sẽ thu xếp công việc để về quê thăm gia đình sau 4 năm xa cách.
Cuộc sống "hồi sinh" khi Trâm trở về Một thời gian sau sự việc lắng xuống nhưng tiếng oan của gia đình ông Quân, bà Ngàn vẫn hiện hữu bởi "bia miệng" của người đời. Gia đình bà bị sự ghẻ lạnh của người dân địa phương, đi đâu họ cũng chỉ nhận được ánh mắt e ngại và sự khinh bỉ của mọi người. Bà Ngàn vì thương nhớ cháu, phần vì áp lực với dư luận nên sức khỏe "đột ngột xuống dốc". Ông Quân cho biết: "Trâm mới bỏ đi, vợ tôi bị tụt huyết áp, rồi bị tai biến khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn, tưởng chừng không thể qua khỏi. Hiện tại sức khỏe của vợ tôi đã có tiến triển tốt do tinh thần thoải mái khi nghe bé Trâm đã trở về". |
Trung Nguyên