Bé hai tuổi sống một mình trong hầm cạnh bờ sông
Trò chuyện với PV, ông Cao Huy Trang, người từng là chiến sĩ đại đội 1, tiểu đoàn 14, sư 325, cối 120 trong trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị (hiện sống tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) cho biết: "Năm 1972, khi cuộc chiến ở Thành cổ Quảng Trị đang rất khốc liệt, đơn vị tôi bám trụ bên bờ Bắc, thôn Xuân An, xã Triệu Thượng (Triệu Phong, Quảng Trị). Đơn vị lập một tổ đi trinh sát đề phòng địch vượt sông, đoạn thôn Xuân An bên kia Thành cổ Quảng Trị. Tôi được giao nhiệm vụ đi trinh sát cùng với cả tổ. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên khi cả đoàn đang cảnh giới thì nghe tiếng va chạm của vỏ đồ hộp, đi gần đến thấy có một bóng đen, qua ánh đèn mờ ảo, mọi người tưởng đó là con chó nhỏ. Khi nghe tiếng bước chân của chúng tôi, lập tức cái bóng đó chạy tụt vào bên trong bờ sông. Ngay phía bên kia là quân địch đang tuần tra. Mãi sau này, chúng tôi mới biết trong bờ sông đó là một hầm trú ẩn bỏ hoang của địch. Cả tổ về báo cáo đơn vị và tỏ ý phân vân. Có người bảo hình như chỗ đó có con chó, bởi nếu là người thì không phải, vì bé quá. Cả tổ tiếp tục nhận nhiệm vụ trinh sát chốt bờ sông vào tối hôm sau".
8h tối ngày tiếp theo, ông Trang theo tổ đi ra mai phục trinh sát thì phát hiện cái bóng hôm trước không phải con vật mà là người. Ai cũng đặt câu hỏi tại sao lại bé như vậy, thậm chí cả tổ trinh sát nhìn không rõ, vì cái bóng ấy nhỏ thó. Quan sát kỹ, các chiến sĩ thấy cái bóng bò ra ngoài, dùng tay cầm ống bơ tu lên miệng.
Khi tiếp cận, cả đơn vị sư đoàn 325 khi đó không khỏi ngỡ ngàng vì cái bóng mà tổ trinh sát phục mấy hôm lại là bé gái còn sống sót qua những trận bom pháo ác liệt. Theo ông Cao Huy Trang, tuổi thật chính xác của bé thì không ai biết nhưng mọi người đoán bé chừng hai tuổi vì khi đó bé mới biết bò, chưa biết nói.
Chị Nguyễn Thị Tuyết tại cuộc gặp mặt của những chiến sỹ trong trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị. Buổi gặp có sự hiện diện của ông Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng ban Tuyên giáo trung ương
Bé ở trần truồng, lại thêm ghẻ lở, bùn đất đầy người. Cũng chẳng ai biết đứa bé này đã bị bỏ rơi từ khi nào, chỉ biết bé kiệt quệ, không còn sức lực. "Một cậu y tá của đơn vị đã cắt chiếc vỏ chăn khâu thành quần áo cho Xuân An mặc. Đồng thời lấy thuốc tím bôi rửa ghẻ lở đầy trên cơ thể bé, phải mất một thời gian mới khỏi hoàn toàn, khi đi chiến đấu đơn vị giao bé lại cho địa phương. Lúc ấy, bé đã biết gọi các bố bộ đội, biết khóc, bập bõm chạy ra để níu tay chân khiến đơn vị chúng tôi dù toàn nam giới nhưng cũng lưu luyến, vừa đi vừa gạt nước mắt mà không dám quay lại nhìn con", ông Trang xúc động kể lại.
Sư 325 đưa bé về đơn vị nuôi nửa năm và đặt tên là Nguyễn Xuân An (tên theo một địa danh của Thành cổ Quảng Trị, nơi tìm thấy bé). Sư 325 nuôi từ khi bé Xuân An chưa biết nói, chưa biết đi đến khi bé đã biết nói biết đi. Nhiều giả thiết đặt ra, có thể bố mẹ Xuân An do chạy giặc nên bị bom pháo bắn chết. Khi đơn vị đi chiến đấu thì giao bé cho du kích nuôi. Anh Chim và o Diệp được giao trách nhiệm nuôi bé. Đến năm 1975, bé được giao cho một người dân nuôi nấng.
Chuyện như huyền thoại
Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện về cô bé Nguyễn Xuân An, những người lính già là nhân chứng của câu chuyện mà chúng tôi gặp như ông Hoàng Văn Thông, ông Cao Huy Trang cùng đồng đội vẫn cho rằng, đó là chuyện khó tin. Khó tin bởi nếu ai đã từng có mặt trong trận chiến ở nơi được gọi là "cối xay thịt" Thành cổ Quảng Trị đều biết đó là chiến trường khốc liệt. Vậy tại sao một em bé mới chừng hai tuổi lại có thể tự sống sót trong hầm cạnh bờ sông mà không bị ngã xuống sông. Bé còn tự biết tìm đồ ăn trong vỏ lon, vỏ đồ hộp của địch để lại. Cả sư 325 ai cũng thắc mắc là dù cái hầm sát bờ sông nhưng bé gái không bò xuống sông mà chỉ bò ra nhặt ống bơ còn sót thức ăn. Đáng nói hơn nữa, ngay phía bên kia căn hầm mà bé Xuân An ở là quân địch, hàng ngày chúng liên tục càn quét, thả bom triền miên.
Bé Xuân An giờ được coi là con nuôi của sư 325. Ông Hoàng Văn Thông, người lính tham gia trận chiến Thành cổ Quảng Trị (hiện sống tại xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) tiết lộ, năm tới khi nghỉ hưu, có thời gian, ông rỗi sẽ viết thành câu chuyện của chính cuộc đời ông và các đồng đội, nhất là câu chuyện đặc biệt về bé Xuân An. Và cũng từ những câu chuyện tưởng như huyền thoại ấy, các thế hệ mai sau có thể thấy được sức sống mãnh liệt của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Kết thúc cuộc chiến trở về đời thường, ông Trang, ông Thông và nhiều và đồng đội đã nhiều lần vào lại chiến trường xưa tìm tung tích cô con gái nuôi của sư 325 nhưng đều bặt vô âm tín. Ông Trang chia sẻ: "Thủ trưởng Mai của tôi cũng đau đáu ý nguyện tìm lại xem bé còn sống hay đã chết.
Năm 2008, tôi có chuyến đi Đà Lạt với Bí thư tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Cường (khi đó là Chủ tịch tỉnh). Trong bữa cơm với ông Mai, chúng tôi nói chuyện tìm đứa bé, ông Mai đã nhất trí. Sau đó, tôi ở lại cùng bố con ông Mai xuống Đồng Nai tìm một tuần nhưng không thấy. Sau đó, tôi nhờ lại đồng đội, anh em du kích Quảng Trị thì một năm sau tìm được manh mối. Năm 2010, tôi với vợ vào Quảng Trị đón nhân chứng lên Đà Lạt. Nhân chứng chính là anh Chim (xã đội phó thời chiến tranh của xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Ngoài anh Chim, còn có cô Diệp, người trong ban lãnh đạo du kích huyện Triệu Phong từng nuôi bé Xuân An thời chiến. Chúng tôi đón thủ trưởng Mai đi xuống Bà Rịa - Vũng Tàu và gặp con ở đó. Vậy là sau 12 ngày tìm kiếm, chúng tôi đã may mắn tìm được Xuân An. Sau này, Xuân An được mẹ nuôi đổi tên thành Nguyễn Thị Tuyết. Tôi đã đưa ra Xuân An ra Bắc để gặp lại những đồng đội trong sư 325 hai lần. Gặp lại được Xuân An là niềm vui quá lớn với tôi và đồng đội.
Thời khắc gặp gỡ, niềm vui xen lẫn nước mắt. Những người lính bạc đầu đều cảm động vì cô con gái nuôi của sư 325, một đứa bé nhỏ thó, ghẻ lở đầy mình, một đứa bé sống sót kỳ diệu trong hầm ngày nào giờ đã trưởng thành.
Dẫn chúng tôi lên phòng xem những tấm hình chụp với cô con gái nuôi Xuân An (giờ là Nguyễn Thị Tuyết), ông Trang không giấu nổi sự vui mừng khôn xiết. Trong hình, cô bé nhỏ thó ngày nào giờ đã trưởng thành, dáng người gầy và gương mặt hiền hậu. Vừa chỉ vào hình, ông Trang vừa nói: "Xuân An, cô bé nhỏ thó không ra hình người ngày nào giờ đã lập gia đình có tới và bốn người con. Xuân An hiện đang làm công nhân cao su tại vùng kinh tế mới ở ấp 4, xã Tân Xuân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu". |
Yến Dương