Bé gái sơ sinh bị chôn sống trong chiếc chậu đất ở miền Bắc Ấn Độ hồi tháng 10 vừa qua đã hoàn toàn bình phục sau khi được giải cứu.
Trước đó, bé gái này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch và bị nhiễm trùng máu. Hiện tại, bé đã tăng cân và tình trạng sức khỏe dần ổn định, bác sĩ nhi khoa Ravi Khanna nói với BBC.
Vì không thể tìm được cha mẹ đẻ, bé sơ sinh này sẽ trở thành con nuôi khi đủ tuổi. Hiện tại, bé gái đang được chăm sóc bởi cơ quan phúc lợi trẻ em ở quận Bareilly, thuộc bang miền bắc Uttar Pradesh.
Bé sơ sinh tội nghiệp này vô tình được tìm thấy bởi một người dân làng đang đi chôn cất con gái của chính mình.
Người này cho biết, khi anh đào khoảng 90cm thì chiếc xẻng va vào chậu đất và anh nghe thấy một đứa bé khóc. Khi mở chiếc chậu ra, anh nhìn thấy một đứa bé trong đó.
Các bác sĩ cho biết đây là một đứa trẻ sinh non, có thể chào đời ở tuần thứ 30 và nặng chỉ 1,1kg. Sau khi được chăm sóc đầy đủ, cân nặng của bé đã lên 2,57kg và có thể bú bình.
Không rõ bé sơ sinh này đã nằm dưới đất bao lâu và các bác sĩ nói rằng việc sống sót là điều thần kỳ.
Bác sĩ Khanna cho biết bé có thể đã bị chôn chừng "ba đến bốn ngày, sống sót nhờ mỡ nâu". Em bé được sinh ra có nhiều chất béo ở bụng, đùi và má, giúp chúng có thể sống sót trong trường hợp khẩn cấp trong một thời gian.
Nhưng các chuyên gia khác cho rằng bé có thể bị chôn chỉ trong "hai đến ba giờ" và chỉ có thể sống sót trong "một hoặc hai giờ nữa" nếu không được giải cứu.
Không khí sót lại bên trong chậu cùng với việc đất được chôn lấp sơ sài có thể là lý do giúp bé sơ sinh có thể thở được.