Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, vừa qua, dư luận xôn xao về những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cụ thể đó là hình ảnh tại một vị trí dải phân cách cứng bằng bê tông trên tuyến cao tốc lộ ra nhiều khúc thân chuối lẫn kèm bê tông, ống nhựa... Nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng, hoang mang. Thậm chí có ví von rằng đây là “bê tông cốt chuối” (?!).
Vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã cho biết rằng, những hình ảnh lan truyền trên cộng đồng mạng là vị trí để lắp hộp kỹ thuật điện. Việc lắp hộp điện này cần tạo ra một lỗ trống từ lúc đổ bê tông, nếu đổ bê tông liền sau đó đục lỗ sẽ rất khó, rất dễ hỏng bê tông nên người ta dùng vật liệu mềm độn vào để tạo khoảng trống từ trước.
"Người ta thường dùng xốp, vải hoặc cây chuối độn vào đều được. Sau mình hoàn thiện cho nó vuông vắn để lắp hộp điện kỹ thuật chứ có phải cốt thay thép bằng chuối đâu", ông Thành nói với báo chí.
Trao đổi với chúng tôi, GVC. Th.s. Lê Xuân Chương, Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Vật liệu xây dựng, khoa Xây dựng Cầu đường - trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, ông đã nghe qua vụ việc "bê tông cốt chuối" khiến dư luận xôn xao mấy ngày nay.
Theo vị chuyên gia, thông thường ở những vị trí cần tạo ra khoảng rỗng, người ta sẽ đặt các vật liệu mềm như xốp vào. Khi xong xuôi công nhân lấy vật liệu mềm ra thì còn lỗ rỗng để lắp đặt các thiết bị, mà cụ thể ở đây là hộp điện kỹ thuật.
Tuy nhiên, Ths. Lê Xuân Chương cũng nhìn nhận, về lý thuyết thì việc làm trên không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tuy nhiên, việc đặt thân chuối phải đúng vị trí, đúng thiết kế, quy chuẩn trong hồ sơ và không phải vị trí nào cần tạo lỗ rỗng cũng có thể tùy tiện đặt thân chuối vào. "Đúng là việc đặt thân chuối vào khiến nhiều người hiểu lầm và hơi phản cảm. Theo kỹ thuật thì người ta phải đóng khung cốp pha để chừa ra lỗ rỗng rồi đổ bê tông", ThS. Chương bày tỏ quan điểm.
Đồng ý kiến, một lãnh đạo khoa Xây dựng cầu đường ĐH Bách khoa Đà Nẵng phân tích thêm rằng, việc đặt thân chuối tạo lỗ rỗng lắp hộp điện kỹ thuật trong trường hợp cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là không vấn đề gì.
Vị chuyên gia nhìn nhận rằng, giải pháp trên còn giúp tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian cho dự án. Bởi đúng ra phải đóng cốp pha, nhưng cốp pha thì rất cứng, khi công nhân lấy ra rất khó. Còn chuối và vật liệu mềm như xốp thì chỉ cần dùng tay cũng lấy ra dễ dàng.
Cũng theo ông, ở mỗi công trình lớn đều có hội đồng nghiệm thu chất lượng Nhà nước xem xét, giám sát nên chẳng có đơn vị nào dám làm ẩu. Không thể có chuyện bê tông cốt chuối.
Trong khi đó, một kỹ sư tư vấn giám sát chất lượng công trình về xây dựng tại TP.Đà Nẵng (xin được giấu tên) cho rằng, nếu phân tích kỹ càng hơn thì cần xem trong hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ tư vấn giám sát... quy định vật liệu đặt vào tạo lỗ rỗng ở đây là gì.
"Ở nhiều trường hợp việc lót thân chuối chỉ là ứng dụng tại chỗ, giải pháp tự nhiên, linh hoạt. Trong hồ sơ kỹ thuật đều quy định rõ ràng vật liệu đặt, cách thức đặt, biện pháp đặt vào vị trí cần tạo lỗ rỗng. Không phải vị trí nào cũng có thể lót xốp, thân chuối được mà phải tính đến khả năng chịu lực của bê tông, của công trình", chuyên gia này đưa ra ý kiến.