Sáng 14/7, Ban Kinh tế TW phối hợp với Bộ Xây dựng và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tại tỉnh Quảng Trị.
Chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW, đồng chí Nguyễn Tường Văn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đồng chí Hà Sỹ Đồng – Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Antoine Mougenot - Trưởng Ban Đô thị khu vực Đông Nam Á, AFD.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW cho biết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có sự kết hợp đa dạng giữa các dạng địa hình như đồng bằng ven biển, dãy núi, rừng và bãi biển tạo nên một cảnh quan thiên nhiên đặc biệt.
Tuy nhiên, khí hậu của vùng khắc nhiệt, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu với cường độ, tần suất của loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và quá trình phát triển đô thị, là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của Biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, quá trình đô thị hóa đang gia tăng trên khắp thế giới. Việt Nam chúng ta cũng nhằm trong xu thế chung của khu vực và thế giới, nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển; các đô thị hiện hữu cũng từng bước được nâng cấp, cải tạo.
Đối với Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh ven biển với tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức như 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển được xác định sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trọng tâm là nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.
Từ thực tiễn phát triển của hệ thống các đô thị trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Theo đó, cần ưu tiên chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.
Tập trung đẩy mạnh việc kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung – Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông - Tây.
Các đô thị lớn, có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối, trong vùng cũng như trên cả nước.
Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Cùng với đó, tăng cường quan tâm công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị, chú trọng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và công trình hạ tầng xã hội; cải thiện chất lượng phục vụ; giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội như chỗ ở, việc làm.
“Đô thị hóa là xu thế tất yếu trên thế giới và có mối liên hệ tương hỗ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đô thị chính là nơi bắt nguồn của những đổi mới trong quá trình phát triển, đồng thời cũng là nơi mà các giải pháp sẽ được nghiên cứu, đưa ra để giải quyết những vấn đề không chỉ của đô thị và cho cả các lĩnh vực khác”, ông Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.
Đại diện AFD cho rằng, các thị xã, thị trấn tại Việt Nam thường xuyên gặp vấn đề ngập lụt do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, do quy hoạch đô thị nên việc bê tông hoá cũng triển khai rộng hơn.
Do đó, các tỉnh miền Trung cần quan tâm tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng đến từ các công trình đã xây dựng và áp dụng các giải pháp tốt để phòng rủi ro thấp nhất trong xây dựng những công trình tương lai, nhất là tại các khu đô thị để quy hoạch gắn với phòng ngừa rủi ro.
Phía AFD mong muốn nhận được đề xuất tích cực nhằm tập hợp, nghiên cứu để chuyển giao Bộ Xây dựng. Trên cơ sở đó, AFD và Bộ Xây dựng có thể kết hợp và đưa ra các giải pháp cho các tỉnh triển khai hiệu quả, sớm hoàn thiện việc quy hoạch và phát triển đô thị bền vững.