Ngày 27/1, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết trẻ được gia đình đưa vào viện trong tình trạng hoảng loạn, vết thương nham nhở lộ gân cơ vùng má, chảy máu nhiều, tổn thương nghiêm trọng vùng mặt.
Trẻ được cấp cứu cầm máu, băng bó vết thương, tiêm vaccine phòng bệnh dại, sau đó bác sĩ gây mê để làm thủ thuật khâu vết thương. Hiện, bệnh nhi vẫn được theo dõi tích cực.
Theo bệnh viện này, mỗi năm nơi đây tiếp nhận hàng chục ca tai nạn do chó cắn xảy ra ở trẻ nhỏ, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn đều là do vật nuôi trong nhà hoặc vật nuôi của nhà hàng xóm, các trẻ bị chó tấn công chủ yếu trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi, chưa có kỹ năng phòng vệ cho bản thân.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý, để các em chơi trong khu vực an toàn, tránh xa các vật nuôi có thể làm con tổn thương.
Khi trẻ bị chó cắn, phụ huynh cần rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ mầm bệnh. Sau đó, dùng gạc hoặc vải sạch nhẹ nhàng băng bó, giúp cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ, xử trí kịp thời.
Gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Vật nuôi cần được tiêm phòng dại, xích ở nơi xa, rọ mõm và nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc, đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Thế Hào (T/h theo Vnexpress, Gia đình Việt Nam)