Nghiệt ngã... cho một số phận bị bỏ rơi
Thông qua một người bạn, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã biết hoàn cảnh của bé Quang Anh (tên hiện tại của bé), trước khi bị bỏ rơi, bé Quang Anh là một bệnh nhân của bệnh viện với một cái tên khác.
Chị K. biết câu chuyện của bé Quang Anh từ khi bé được chuyển lên khoa truyền nhiễm vào ngày 15/5. Qua đồng nghiệp chị biết bé mới 4 tháng tuổi nhưng đã bị nhiễm HIV và bị bỏ rơi. Hai tháng trước đó, bé được mẹ nuôi đưa vào viện Nhi Hà Nội điều trị bệnh viêm da với cái tên là Sơn Tùng. Điều trị được một thời gian thì bé xuất hiện những triệu chứng bất thường như nấm quanh miệng, khắp cơ thể nổi mụn, sưng tấy đỏ. Các bác sỹ đã nghi ngờ và lấy máu thử nghiệm. Kết quả là bé đã nhiễm HIV.
Bất ngờ trước kết quả của đứa con mới nhận, người mẹ trẻ ngậm ngùi chăm bé. Các bác sỹ trong bệnh viện đã an ủi, động viên người mẹ cố gắng chữa trị cho bé khỏi bệnh để đưa bé lên trung tâm bảo trợ trẻ em để được hỗ trợ tốt nhất. Trước sự quan tâm của mọi người xung quanh, chị đã thổ lộ hoàn cảnh nhận con nuôi của mình.
Không có con nên thông qua một người quen, chị đã nhận bé Sơn Tùng làm con nuôi. Thời gian đầu, chị rất hạnh phúc vì bé kháu khỉnh lại ăn sữa ngoài rất tốt, không bị nôn hay dị ứng gì. Nhưng nuôi con chưa đầy một tháng, bé đột nhiên xuất hiện các triệu chứng sốt và nổi mẩn đỏ khắp người, lười ăn. Chị đã vội vàng đưa bé đến bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Ban đầu các bác sỹ chẩn đoán bé bị chàm cơ địa. Điều trị được một thời gian thấy bệnh của bé không thuyên giảm mà còn có chiều hướng nặng thêm, các bác sỹ nghi bé bị nhiễm HIV và kết quả không ngoài dự đoán.
Đau xót cho hoàn cảnh của hai mẹ con, các bác sỹ đã thống nhất điều trị dứt điểm cho bé khỏi bệnh chàm da cơ địa để đưa bé lên trung tâm có điều kiện chữa trị. Nhưng thật không may, ngày xuất viện cũng là ngày bé bị mẹ nuôi bỏ rơi.
Khi hoàn thành các thủ tục xuất viện, người mẹ nuôi đã lẳng lặng để lại bé tại khoa sơ sinh của bệnh viện Nhi Trung ương với tên mới là Quang Anh. Bé đã được một bác bảo vệ nhặt được và trình báo lên ban giám đốc bệnh viện. Khi bệnh viện nhìn thấy cháu bé bị bỏ rơi, các bác sỹ điều trị cho bé đã nhận ra ngay đó là bệnh nhân Sơn Tùng mới xuất viện. Bé đã bị mẹ nuôi bỏ rơi lần nữa vì căn bệnh thế kỷ. Và giờ đây, cả hai người mẹ cũng bỏ bé mà đi để lại một mình bé chống chọi với bệnh tật.
Nước mắt của những ông bố, bà mẹ "hờ"
Khi nhận được trường hợp của bé Quang Anh, bệnh viện đã nhanh chóng chuyển bé đến khoa truyền nhiễm để điều trị. Lúc này, bệnh chàm cơ địa của bé lại càng nặng hơn. Bé thường xuyên quấy khóc, giãy giụa, cào lên vết thương. Các bác sỹ phải sát trùng vết thương, bôi thuốc và dùng bao tay cho bé. Nhưng khi các vết thương này chưa kịp khô lại thì tiếp tục có các vết thương khác hoành hành.
Trưa 13/5, phóng viên đã tìm đến phòng bệnh thăm bé Quang Anh. Tại khoa truyền nhiễm của bệnh viện Nhi Trung ương, phóng viên phải qua nhiều cuộc hỏi thăm mới tìm được phòng bệnh của bé. Bởi theo một y tá ở đây cho biết, trường hợp của Quang Anh là hoàn cảnh bị bỏ rơi, không có thủ tục nhập viện. Mỗi ngày bé bị chuyển đến một phòng bệnh và gần như là nhờ đến sự chăm sóc của các ông bố, bà mẹ của những đứa trẻ khác cùng phòng.
Khi PV tìm đến phòng bệnh của bé thì Quang Anh đang trong hoàn cảnh không có một ai chăm sóc. Trong khi hai bé trai cùng phòng đang được sự chăm sóc ân cần của mẹ thì Quang Anh đang khóc gằn lên vì đói. Một bà mẹ trẻ trong phòng thương tình pha sữa cho bé thì bé bú không ngừng. Lúc đó, nhìn bé ăn ai cũng rớt nước mắt. Càng thương hơn, khi chưa ăn hết bình sữa nhỏ bé bị sặc và nôn liên tục. Bé khóc không ngớt và giãy giụa nhưng không ai biết phải làm thế nào. Chỉ đến khi, chị V, một nhân viên bệnh viện thương xót hoàn cảnh của bé đến thăm mới biết bé đang bị kiến đốt khắp người. Toàn bộ giường bệnh của bé bị kiến bâu xung quanh và cắn mẩn đỏ khắp lưng mà không ai biết. Vừa đói, vừa đau nên bé đã khóc không ngớt. Mọi người nhìn nhau đau xót cho đứa bé tội nghiệp.
Chị V tâm sự: "Thời gian đầu mới vào khoa truyền nhiễm, bé còn bị đau hơn như thế này nhiều. Toàn thân bé liên tục rớm máu vì chứng bệnh chàm cơ địa. Bây giờ khi các vết sưng đã gần lành thì bé mới ăn được. Hầu như trong bệnh viện, ai biết đến hoàn cảnh của bé đều rất xót thương. Tôi mới được biết trường hợp bé Quang Anh khi bé được đưa đến khoa truyền nhiễm. Vì không có ai chăm sóc nên mỗi khi hết giờ làm, tôi thường đến tắm rửa, bôi thuốc và cho bé ăn. Bé cũng không còn được ở bệnh viện lâu nữa vì có thể hết tuần này sẽ được chuyển lên trung tâm bảo trợ trẻ em trên Ba Vì. Chúng tôi sẽ không được gặp cháu bé đáng thương này nữa. Những khi bế bé trên tay, ánh mắt đó làm tôi rất ám ảnh".
Cũng theo chị V., từ ngày bé được chuyển lên khoa truyền nhiễm đã có nhiều bà mẹ ở Hội những bà mẹ cho con ăn dặm đến thăm và quyên góp đồ cho bé. Về phía bệnh viện, cũng rất cố gắng chữa khỏi bệnh chàm cơ địa cho bé.
Chia tay bé cùng các bà mẹ "hờ" đang chăm sóc đứa bé bất hạnh, phóng viên Người Đưa Tin cứ ám ảnh mãi về câu nói của một người phụ nữ trẻ đến thăm cháu ở phòng bệnh: "Tôi là người chưa có con và cũng chưa xây dựng gia đình nhưng nhìn đứa trẻ tội nghiệp đến thế kia thì tôi không thể cầm lòng được. Dù nó có mắc bệnh thế nào thì nó cũng là con mình dứt ruột đẻ ra sao người ta nỡ tàn nhẫn bỏ rơi chính cốt nhục của mình. Nó còn được sống bao lâu nữa đâu, sao người ta nhẫn tâm cướp cả thời gian sống hiếm hoi đó".
Bình Minh