Sáng 21/11, trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bé trai 7 tuổi (ở quận Tân Phú) bị ngộ độc nặng do uống nhầm thuốc Methadone.
Trước đó, khoảng 17h ngày 19/11, bé trai uống nhầm phần thuốc Methanone của người cậu nghiện ma túy nhận về để uống cai nghiện. Nước thuốc Methadone màu hồng, bé uống vì tưởng là nước ngọt.
Vài phút sau, bệnh nhi than mệt, khó thở nên gia đình lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện quận 11. Đến 19h cùng ngày, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mê, tím tái, ngưng thở.
Tại đây, trẻ được giúp thở, tiêm thuốc giải độc Naloxone, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và thở máy. Do thuốc cai nghiện tác dụng kéo dài đến 36 giờ nên trẻ được truyền thuốc giải độc liên tục. Hiện tại, bé đã tỉnh, đang tiếp tục thở máy, truyền thuốc giải độc và tập thở. Để thuốc loại khỏi cơ thể bé, phải mất 3 - 4 ngày.
Rất may gia đình đưa bé đến bệnh viện kịp thời, nếu không thì khó qua khỏi. Vì bé đến bệnh viện nhịp thở chỉ còn 8 lần/phút (bình thường trẻ nhỏ thở 20 - 30 lần/phút).
Methadone là loại thuốc thường dùng nhằm điều trị cho người nghiện heroin, giúp quá trình cai nghiện an toàn hơn, giảm khả năng tái nghiện. Với người nghiện, uống dung dịch methadone vào sẽ đỡ cảm giác thèm heroin. Nhưng người bình thường uống phải chất này rất dễ ngộ độc kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn tới ngừng thở, hôn mê, tử vong.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM cho biết, thuốc Methadone hiện có cho mang về nhà (trước đây phải uống tại chỗ) với người có sức khỏe ổn định và người nhà cam kết kiểm soát...
Nhưng thực tế nhiều trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm methadone đã xảy ra. Hầu hết trẻ uống nhầm dung dịch methadone tại gia đình do tưởng là nước dâu hay nước ngọt.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu người nghiện được phép mang chất này về nhà sử dụng, uống tại gia đình, việc quản lý cần chặt chẽ để tránh trường hợp bị ngộ độc do uống nhầm.
Minh Hoa (t/h)