Ngày 10/11, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây tiếp nhận cấp cứu trường hợp tai nạn nghi điện giật khi đang tắm. Đó là 1 bé trai 10 tuổi được gia đình đưa đến viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.
Các bác sĩ cho biết, theo người nhà bệnh nhi chia sẻ, bố mẹ đi làm vì vậy trẻ ở nhà một mình, khi bố mẹ trở về nhà thì phát hiện con nằm bất động ở sàn nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở.
Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng, người nhà tiến hành ép tim nhưng không đáp ứng. Trẻ được quấn khăn quanh người và đưa vào Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Trước đó, gia đình bệnh nhi cho biết, người nhà sờ vào vòi hoa sen trong nhà tắm đã có cảm giác tê tê ở tay và nghi điện hở tuy nhiên chưa kịp sửa thì xảy ra sự việc đáng tiếc trên.
Bác sĩ Trung tâm Nhi khoa thông tin, trẻ vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.
Tai nạn đau lòng này một lần nữa cảnh báo nguy cơ khi sử dụng thiết bị điện trong phòng tắm.
BS Vũ Hữu Thời, Trung tâm Nhi khoa cảnh báo nguy cơ điện giật trong nhà tắm. Để phòng nguy cơ bị điện giật, nên bật nước nóng trước đó, khi tắm thì nên tắt bình nóng lạnh. Không nên để trẻ em tắm một mình khi không có người lớn ở nhà.
Ngoài ra, các công tắc bật điện nên lắp đặt cao, tránh nguy cơ dính nước.
Khi gặp bệnh nhân ngừng tuần hoàn do điện giật, đầu tiên, cần tách nạn nhân khỏi nguồn điện. Tiếp đó hãy hô hấp, ép tim nếu bệnh nhân ngừng tim, gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất.
Để đảm bảo độ bền cũng như an toàn tính mạng, bình nóng lạnh chỉ nên bật trước khi sử dụng 30 đến 45 phút. Khi sử dụng để tắm cần ngắt điện bình nước nóng để đảm bảo an toàn.
Không nên cắm điện bình nóng lạnh 24/24 giờ. Bởi việc bạn cắm điện bình nước nóng liên tục 24/24 giờ chính là tác nhân hàng đầu bào mòn lớp cách điện, và khiến hệ thống ngắt điện hoạt động không còn hiệu quả, dễ dẫn đến rò điện gây chết người hết sức nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên vệ sinh bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời sống, Dân Trí)