Alexander Volfovich, Bộ trưởng thuộc Hội đồng An ninh Belarus, cho biết, việc thu hồi các vũ khí này sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 là quyết định hợp lý, vì Mỹ đã mang lại nhiều đảm bảo về mặt an ninh cũng như không đề ra các lệnh cấm thương mại.
Tuy nhiên, theo cơ quan đưa tin Belta trích lời ông Volfovich trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, ông đã phát biểu: “Hôm nay, tất cả đã bị hủy bỏ. Những lời hứa hẹn từng được đưa ra trước đây đều đã biến mất”.
Belarus, được lãnh đạo bởi Tổng thống Alexander Lukashenko từ năm 1994, là đồng minh trung thành nhất của Nga trong hàng ngũ các quốc gia từng thuộc Liên Xô và đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của họ làm bàn đạp tấn công Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong tuần vừa rồi, Nga đã chấp thuận quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược trên lãnh thổ Belarus nhằm đạt được một số lợi thế trên chiến trường.
Nga cho biết, “hoạt động quân sự đặc biệt” của họ tại Ukraine được thực hiện nhằm chống lại những cố gắng của “phương Tây nói chung” trong việc châm ngòi các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và hạ gục chính quyền Moscow.
Ông Volfovich cho biết: “Việc triển khai các vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus là một trong các bước răn đe chiến lược. Nếu như các chính trị gia phương Tây còn chút lý trí nào thì họ sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ này”.
Ông cũng nhấn mạnh, bất cứ hành động “sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược nào cũng sẽ dẫn tới những hậu quả không thể đảo ngược”.
Trong tuần vừa rồi, ông Lukashenko cho biết, các hệ thống vũ khí hạt nhân đã bắt đầu được di chuyển, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ khi nào các hệ thống vũ khí này sẽ sẵn sàng.
Chính phủ Mỹ đã lên án việc triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus nhưng cũng cho biết quan điểm về việc sử dụng vũ khí hạt nhân của họ không hề thay đổi.
Những lệnh cấm của các quốc gia phương Tây đã được đặt lên Belarus từ lâu, trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vì các cáo buộc liên quan tới vi phạm nhân quyền của chính quyền ông Lukashenko. Đặc biệt là việc đàn áp biểu tình hàng loạt sau khi các đối thủ khẳng định, ông Lukashenko gian lận để tái đắc cử trong năm 2020.
Sau khi các quốc gia thuộc Liên Xô được trao độc lập vào năm 1991, Belarus, Ukraine và Kazakhstan đã đồng ý giải giáp và hoàn trả các vũ khí hạt nhân cho Nga trong nỗ lực chống phổ biến hạt nhân toàn cầu.
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)