Nhà Rồng được xây dựng vào năm 1863, nguyên là trụ sở công ty Tàu biển Năm Sao của Pháp tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé. Trên nóc nhà có gắn một đôi rồng lớn bằng đất nung, trám men xanh. Giữa đôi rồng là chiếc phù điêu mang hình "đầu ngựa và chiếc mỏ neo" thay thế cho trái châu. Đây là biểu tượng của công ty vận tải. Có lẽ vì vậy mà người dân Sài Gòn thời bấy giờ quen gọi tòa nhà này là Nhà Rồng.
Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Đến tháng 10 năm 1865, Nhà Rồng còn được gọi là sở Canh tân Tàu biển, sau khi ở đây có xây thêm cột cờ Thủ Ngữ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào dễ dàng. Đến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến tàu đàng hoàng để tàu cập bến. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mé sông. Bến này cách bến kia 18m. Bề ngang của mỗi bến vào phía trong bờ là 8m. Từ bờ ra đến bến có cầu rộng 10m.
Nhưng bến Nhà Rồng nổi tiếng và được nhắc nhớ không phải bởi lịch sử hình thành của nó. Cũng không phải bởi lối kiến trúc kiểu Pháp cổ kính còn lưu lại trên mảnh đất TP. Hồ Chí Minh này. Bến Nhà Rồng mang trong mình một giá trị tinh thần thiêng liêng và cao quý mà dân tộc ta gìn giữ. Chính từ nơi đây, ngày 05/06/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville xin làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu đi tìm hình của nước. Để từ đó, bến Nhà Rồng chứng kiến nhiều sự kiện, biến cố lịch sử cũng như sự đổi thay của thành phố phía Nam tổ quốc này.
Sử cũ còn ghi lại, trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1945 quân và dân Việt Nam nhiều lần tiến công quân Pháp ở vùng Khánh Hội - Bến Nhà Rồng. Đặc biệt, đêm 15/10/1945, quân Việt Nam đã đốt cháy chiếc tàu Alee của Pháp vừa cập bến Nhà Rồng. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng, nhiều lần bến cảng Nhà Rồng bị tê liệt vì những cuộc bãi công của công nhân cảng. Chiều ngày 13/5/1975 nhân dân thành phố vui mừng đón tiếp chiếc tàu biển "Sông Hồng" trọng tải một vạn tấn, cập bến Nhà Rồng, chính thức nối lại con đường biển thông thương giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Nếu như Nhà Rồng xưa chỉ là nơi bán vé cho hành khách lên tàu thì thế kỷ 21 này trở thành điểm đến đầy tự hào của TP.HCM. Ban đêm, đứng trên cây cầu nối giữa quận 1 và quận 4 nhìn xuống phía bến cảng, nhà Rồng lung linh ánh đèn soi bóng xuống dòng sông Sài Gòn lững lờ trôi. Xa xa là cây cầu Phú Mỹ như một dải lụa sáng rực vắt ngang dòng sông. Bến cảng nhà Rồng về đêm đẹp đến nao lòng.
Từ tháng 9/1979, nhà Rồng được dùng làm nơi trưng bày những hiện vật về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 10/1995, nhà lưu niệm được đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, nơi đây đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, thăm lại nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.
Mỗi một kỷ vật đơn sơ, giản dị trong bảo tàng đều lưu dấu số phận lịch sử của một người từng bôn ba khắp năm châu bốn bể với nỗi đau nước nhà còn chìm trong cảnh lầm than vì giặc ngoại xâm. Không biết bao nhiêu vần thơ, lời ca về bến cảng này đã theo những con sóng trập trùng của dòng sông Sài Gòn mà có khi dồn dập, có khi dịu êm cất lên. Sài Gòn nhớ Bác. Dù thời gian Bác lưu lại ở thành phố này có thể đếm trên mười đầu ngón tay. Nhưng cái thời khắc định mệnh của lịch sử ấy mãi mãi không bao giờ phai dấu. Bởi cái hình bóng phủ xuống thời khắc ấy là của một người thanh niên mảnh khảnh, với đôi mắt sáng, ánh lên niềm tự tin mãnh liệt . Người mà sau cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng này, đã tìm được ánh sáng chân lý đưa nước nhà thoát khỏi bóng tối lầm than của kiếp đời nô lệ.
Để giờ đây, mỗi lần nhắc đến Sài Gòn, thì nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đều nhớ đến bến cảng Nhà Rồng. Thời gian cũng như dòng sông Sài Gòn kia không bao giờ ngừng chảy nhưng hình bóng Bác vẫn ngàn đời hiện hữu trên bến nước này. Dù cho bến cảng giờ chỉ còn là dấu tích của hơn 100 năm về trước
Hương Lam