Chiều muộn ngày 18/3, chúng tôi có mặt tại Bến phà Rừng phía Tp.Hải Phòng nằm địa phận xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, đúng lúc chiếc phà cũ kỹ vừa cập bến đón khách. Trên bến, hơn 20 người đi xe máy đang chờ xuống phà, ai cũng tỏ ra vội vã.
Trong lúc chuẩn bị dọn hàng, chị Lê Thị Thơ, ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng, trao đổi với chúng tôi về bến phà mà chị gắn bó gần 20 năm với công việc bán tạp hóa và nước chè.
Trước kia, nơi đây chỉ có bến đò nhỏ chuyên chở người đi bộ và xe đạp qua sông Đá Bạc vừa bất tiện lại tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Trong khi đó, muốn sang tỉnh Quảng Ninh, nếu không muốn ngồi đò, phải đi đường vòng qua cầu Đá Bạc thêm khoảng 40 cây số.
Bến phà Rừng đi vào hoạt động hơn 50 năm trước nối huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã chấm dứt cảnh ngồi đò ngang, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho người dân 2 bên bờ sông Đá Bạc. Tuy nhiên, những năm gần đây, do không được đầu tư cải tạo, nâng cấp, cả bến lẫn phà đều xuống cấp.
“Nhận được thông tin dịp 30/4-1/5 tới, khi cầu Bến Rừng hoàn thành, Bến phà Rừng sẽ đóng cửa. Mặc dù sẽ phải đóng cửa quán nước để chuyển công việc khác, nhưng tôi vui vẻ vì cây cầu mới sẽ tạo điều kiện cho quê hương phát triển”, chị Lê Thị Thơ chia sẻ.
Trước thực trạng Bến phà Rừng đã xuống cấp không đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như nhu cầu đi lại của người dân giữa Tp.Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, ngày 22/12/2020, HĐND Tp.Hải Phòng thông qua Nghị quyết số 50/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư Dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 12/11/2021, UBND Tp.Hải Phòng phê duyệt Dự án cầu Bến Rừng tại Quyết định số 3279/QĐ-UBND, sau đó điều chỉnh tại Quyết định số 4541/QĐ-UBND ngày 30/12/2022. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng được giao làm đại diện chủ đầu tư.
Theo đó, đầu tư xây dựng mới cầu Bến Rừng kết cấu vĩnh cửu vượt sông Đá Bạch (còn được gọi là sông Đá Bạc) với chiều dài cầu gần 1,9 km. Cầu chính và cầu dẫn rộng 21,5m, đường dẫn hai đầu cầu có chiều dài gần 410 m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.941 tỷ đồng, gồm: ngân sách Trung ương khoảng hơn 1.100 tỷ đồng, ngân sách Hải Phòng hơn 835 tỷ đồng và tỉnh Quảng Ninh 5,5 tỷ đồng.
Cầu Bến Rừng được xây dựng tại vị trí cách Bến phà Rừng gần 4km về phía thượng lưu sông Đá Bạc. Cây cầu hoàn thành sẽ giúp người dân thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng qua lại nhanh chóng, không phải chờ phà Rừng mất 30 - 60 phút hoặc phải đi khoảng 40km sang Quốc lộ 18 rồi vòng ra Quốc lộ 10 qua cầu Đá Bạc như trước kia.
Theo thông tin Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, sau 20 tháng thi công, ngày 31/1/2024, cầu Bến Rừng đã được hợp long. Hiện nhà thầu thi công hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc và đang tập trung hoàn thiện những hạng mục cuối để đưa cầu vào hoạt động dịp 30/4, 1/5 tới.
Cầu Phà Rừng là cây cầu thứ 3 nối Hải Phòng với Quảng Ninh sau cầu Đá Bạc trên Quốc lộ 10 và cầu Bạch Đằng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. Ngoài ra, cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên, Tp.Hải Phòng với thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cũng đang được xây dựng, dự kiến sẽ thông xe vào tháng 10/2024.
những cây cầu này không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông Tp.Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn được kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương
Chuẩn bị cho việc đóng cửa Bến phà Rừng, tháng 2/2024, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đã ra thông báo về việc chuyển giao các phương tiện phục vụ vận chuyển khách tuyến phà Rừng cho đơn vị có nhu cầu sử dụng, gồm: 3 phà không tự hành, 2 đò khách và 3 ca nô lai dắt (tất cả đều là tài sản của Nhà nước).
Theo đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh đề nghị các UBND thành phố, thị xã, huyện trên địa bàn Tỉnh rà soát lại quy hoạch và thực tiễn của địa phương, nếu có nhu cầu sử dụng các phương tiện này thì có văn bản gửi về đơn vị để tổng hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh.
Có lẽ do các phương tiện này đã quá cũ kỹ, lạc hậu, nên sau hơn 1 tháng kể từ ra thông báo, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị chuyển giao nào. "Cực chẳng đã", địa phương dự kiến đưa những khối "sắt vụn" này ra đấu giá để đem lại nguồn thu cho ngân sách.