Đạo diễn: Nguyễn Thành Nam Diễn viên: Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Trần Phong, La Thành, Xuân Nghị, Lê Lộc… Thể loại: Hồi hộp Ngày phát hành: 01/09/2023 Thời lượng: 83 phút Ngôn ngữ: Tiếng Việt - Phụ đề Tiếng Anh Phân loại: T16 – Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên (16+) |
“Cù lao xác sống” ra mắt năm 2022, là phim zombie Việt đầu tiên vượt qua ải kiểm duyệt, gắn mác C18 và không bị cắt phân cảnh nào. Phim thu về 13 tỷ và bị đánh giá là “thảm họa điện ảnh Việt” vì kịch bản rời rạc, tạo hình kém đặc sắc…
Dẫu gây nhiều tranh cãi nhưng ê-kíp phim vẫn giữ đúng lời hứa, ra mắt phần 2 với tên gọi “Bến phà xác sống”.
Trailer “Bến phà xác sống”
Trong ngày ra mắt phim, đạo diễn Nguyễn Thành Nam nói phần 2 là sự cố gắng của một tập thể.
“Tôi biết có những người đặt câu hỏi rằng liệu rằng đây có phải là một sự mạo hiểm hay không, hơn nữa “Bến phà xác sống” còn mang toàn bộ đội hình nhân vật quen thuộc trở lại. Thành thật, tôi không muốn nói đến những chuyện đao to búa lớn, hay chúng tôi sẽ phải làm gì, đạt được gì, anh em chúng tôi chỉ có thể nói rằng câu chuyện ở bến phà là những nỗ lực và sự cầu thị mà chúng tôi mong muốn gửi đến khán giả”, đạo diễn chia sẻ.
Cốt truyện nhất quán hơn
“Bến phà xác sống” tiếp nối câu chuyện còn dang dở ở phần 1, nội dung xoay quanh hành trình của Công (Huỳnh Đông), con gái bé Na (Mona Bảo Tiên) và nhóm người thoát khỏi sự truy đuổi của xác sống, chạy đến chuyến phà cuối cùng ở vùng hạ lưu sông Mê Kông.
So với cách kể đan xen hành trình nhiều nhóm nhân vật khác nhau trong phần 1, “Bến phà xác sống” chọn tập trung vào nhóm người sống sót của Công. Điều này giúp phim mạch lạc, cốt truyện nhất quán hơn.
Hành trình của Công trở nên gian nan khi con gái bé Na bị Diễm (Ốc Thanh Vân) bắt cóc để trả thù. Kiệt (Trần Phong) cùng vợ là Trinh (Lê Lộc) vừa đón con đầu lòng, cũng phải chật vật lẩn trốn sự truy lùng của xác sống. Nhờ có sự đồng hành của Công mà gia đình Kiệt nhiều lần thoát chết.
Huỳnh Đông bộc lộ thế mạnh diễn xuất, ánh mắt nhiều cảm xúc. Trong hành trình cứu con gái, anh còn trở thành “người hùng”, sẵn sàng xả thân giúp đỡ mọi người. Những cảnh hành động của Công đẹp mắt, dứt khoát.
Theo đạo diễn Nguyễn Thành Nam, Kiệt là nhân vật trông có vẻ vô hại nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong tuyến truyện của phim. Từ một chàng trai hiền lành, anh lại phải trải qua quá nhiều biến cố khi đại dịch xuất hiện, mất mẹ, mất nhà và vợ lại vừa hạ sinh một đứa con. Điều này buộc anh trở thành một người có trách nhiệm và mạnh mẽ để bảo vệ người thân.
Tuy nhiên, cách thể hiện của Kiệt lại trở thành chàng trai yếu đuối, sợ sệt khi đối diện với xác sống và khóc quá nhiều. Diễn xuất của Trần Phong chưa thuyết phục, nhất là những cảnh bi, biểu cảm, ánh mắt của anh chưa đủ lấy nước mắt khán giả.
Lê Lộc không có nhiều lời thoại trong phim. Nhân vật của cô đề cao tình mẫu tử, để bảo vệ con, người mẹ cố gắng vượt qua mọi thử thách.
Ốc Thanh Vân lăn xả cho vai phản diện. Diễm đau khổ khi con gái bị tấn công ở trường học và trở thành xác sống. Để trả thù, cô theo dõi hành trình của cha con Công, giả bị nhiễm bệnh và chờ thời cơ để ra tay. Trong vài phân cảnh, lời thoại của Ốc Thanh Vân trở nên ngô nghê và bị kịch.
Hoàng (La Thành) và Cảnh (Xuân Nghị) mang lại những tình huống hài hước cho phim. Các câu thoại liên quan đến LGBTQ+ không còn bị lạm dụng, tiết chế hơn so với phần 1.
Nghệ sĩ Tấn Thi vào vai ông Tám – bố của Công – không còn nói đạo lý, dài dòng, sẵn sàng xông pha để cứu con và cháu gái.
Bối cảnh của phim đa dạng từ trong nhà, khu chợ, bến sông, cánh đồng hoang… Mỗi cảnh quay đều được đạo diễn chăm chút, dẫu nhiều bối cảnh lộ rõ sự dàn dựng. Những cảnh quay flycam được chọn lọc ở nhiều tình huống giúp đẩy cảm xúc người xem.
Huỳnh Đông vào vai Công
Vẫn còn nhiều “sạn”
Với thời lượng 83 phút nhưng nhiều cảnh phim không có sự logic. Như Công đang cùng nhóm người ẩn nấp trong một căn nhà, thì đột ngột chỉ mình anh xuất hiện ở khu chợ nhưng không rõ mục đích đi đâu, làm gì?
Hành trình đi tìm con gái của Công không gặp khó khăn khi mọi thứ đều được "dọn sẵn": hết xăng tìm thấy thùng xăng, cần di chuyển có ngay xe máy, xe kéo...
Công gây khó hiểu khi dễ dàng gục ngã bởi một cú đánh của Diễm – một người phụ nữ yếu đuối, liên tục gào khóc… Hay cảnh Công cùng con gái rời khỏi lò mổ, bỏ lại bố đối diện với vài xác sống. Nhưng cuối phim bố công lại xuất hiện, cách ông thoát khỏi nguy hiểm không được giải thích.
Ở phần 1, zombie bị nhận xét là chậm chạp, thiếu sức sống thì sang phần 2, những xác sống nhanh hơn do biến thể mới. Lượng zombie cũng khá hoành tráng về số lượng, đủ để người xem cảm nhận tình hình đại dịch ở cù lao khủng khiếp ra sao. Trong các cảnh quay cận, xác sống được tái hiện một cách chân thật.
Dẫu xác sống trong phim bị đột biến nhưng không gây quá nhiều nguy hiểm, dễ dàng bị hạ bởi một cú đánh bằng cây. Trong các phim lấy đề tài xác sống trên thế giới, chủng đột biến xuất hiện để tăng kịch tính cho phim, đi cùng những khả năng vượt trội, mức sát thương cao hơn.
Công tác quản lý diễn viên quần chúng của ê-kíp cũng lộ điểm yếu kém, không nhất quán được cử động của đám đông. Nhiều xác sống xuất hiện cho “đẹp đội hình”, quơ quào trong lúng túng…
Cuối phim, Công phát hiện mình nhiễm bệnh do bị một xác sống cắn lúc chiến đấu. Trước khi hóa thành xác sống, anh cố gắng giải thích với Diễm, cứu con gái thoát khỏi sự nguy hiểm. Khi mọi người bình an, Công tự ngã xuống dòng sông để tránh gây nguy hiểm đến người khác. Sự hi sinh cao cả của Công vì con, vì đồng đội đã lấy nước mắt khán giả. Đây cũng là điểm sáng của phim khi truyền tải thông điệp ý nghĩa về tình cha con, tình người giữa người khi đối diện trước sự sống và cái chết.
Sự thay đổi và mạo hiểm của ê-kíp “Bến phà xác sống” là điều đáng ghi nhận dù còn nhiều hạn chế. Chính đạo diễn Nguyễn Thành Nam thừa nhận, đề tài zombie đã rất quen thuộc với khán giả điện ảnh, nhưng không dễ để thực hiện và truyền tải một câu chuyện đầy đủ về đề tài này trên màn ảnh Việt.
“Phim là sự cố gắng khi mong muốn kể hành trình sinh tử của con người khi đứng trước đại dịch theo một cách trọn vẹn. Chúng tôi biết có rất thử thách về con người, kỹ thuật lẫn các yếu tố khách quan, nhưng chúng tôi tin rằng nếu muốn phát triển về các đề tài đa dạng, những bước đi khó khăn, những sự vấp ngã là điều cần thiết để chúng tôi có cơ hội được lắng nghe, học hỏi, trau dồi”, đạo diễn Nguyễn Thành Nam nói với chúng tôi.
Phan Trai