Ngày 12/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức họp báo thông tin về mức giá nước ngọt, được áp dụng cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh trong đợt hạn mặn năm nay.
Ngay khi giá nước tăng cao, ông Lê Văn Nhựt (ngụ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) nói: “Giá nước máy lên tới 51.000 đồng/m3 sẽ khiến chi phí mua nước đội lên rất nhiều. Mỗi tháng có thể phải chi tiền triệu cho nước máy”.
Cũng như ông Nhựt, nhiều hộ dân ở huyện Giồng Trôm cho rằng giá nước tăng quá cao so với thu nhập của người dân, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, mất mùa như hiện nay. Nhiều người mong muốn công ty cấp nước và chính quyền địa phương có chính sách trợ giá.
Trong khi đó, phía công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre lý giải: “Nguồn nước sông Giồng Trôm bị nhiễm mặn, đơn vị phải chở nước thô bằng sà lan từ thượng nguồn về để xử lý nên giá nước tăng do chi phí sản xuất tăng. Mặc dù giá nước đã tăng nhưng đơn vị vẫn không có lợi nhuận”.
Tại buổi họp báo vào ngày 12/3, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Việc áp giá nước mới trong thời điểm hạn mặn là điều không mong muốn. Nhưng do biến đổi khí hậu, nguồn nước mặn xâm nhập sâu, kéo dài, phải tốn chi phí vận chuyển nước từ xa về và xử lý, để cung cấp nguồn nước sạch, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân”.
Tuy nhiên, việc áp giá nước ngọt mới, cần có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện, thành phố, các nhà máy nước... để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, khách quan.
Các nhà máy nước phải mua, chở nước thô từ nơi khác về để xử lý thành nước ngọt, sạch (hoặc nước RO) nhằm cung cấp cho hộ dân. Dẫn đến giá tiêu thụ 1m3 nước ngọt sẽ dao động từ 27.846 - 51.500 đồng, tùy vào từng khu vực xa gần, độ mặn cụ thể. Mức giá này có hiệu lực từ ngày 25/2/2021.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng mong muốn bà con đồng hành cùng với chính quyền địa phương, nhằm thấu hiểu và chia sẻ khó khăn khi bị tác động của hạn mặn.
Đồng thời, đại diện chính quyền cũng cam kết, “khi nào nước ở các khu vực nhà máy trở về độ bình thường thì giá nước ngọt sẽ quay trở lại như trước khi chưa có hạn mặn”.
Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan lập 3 tổ công tác tại các khu vực gồm: cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa để tham vấn, kiểm tra độ mặn và áp giá nước trong khung thời gian cụ thể, tại các khu vực có nhà máy nước trong tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện các công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt để dự kiến đến năm 2024 hoàn thành, đảm bảo đủ nguồn nước ngọt dự phòng cho sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Chính quyền địa phương đã yêu cầu công ty CP cấp thoát nước Bến Tre tính toán lại chi phí đầu tư hạ tầng trong việc bơm cấp nước ngọt thô bằng sà lan. Từ đó, đề xuất điều chỉnh giá nước đến mức lời thấp nhất hoặc hòa vốn để giảm giá nước cho người dân.
Để đảm bảo nguồn nước ngọt cho các đơn vị cấp nước, UBND tỉnh giao công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre làm chủ đầu tư lắp đặt 4 thuyền bơm tăng áp với công suất 900m3/giờ/máy để hỗ trợ đưa nước ngọt vào hệ thống đập để bù ngọt tại đập tạm Thành Triệu thuộc xã xã Thành Triệu, huyện Châu Thành.