Trao đổi với Báo Tin Tức, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, cho biết việc phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt kết quả khả quan, diện tích nuôi ở các huyện ven biển ngày càng được mở rộng, người nuôi thu lợi nhuận cao.
Sau hơn 2 năm triển khai kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025, đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển được 2.867 ha tôm công nghệ cao, với sản lượng đạt 116.500 tấn, đạt 71,68% kế hoạch.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người dân trên địa bàn tỉnh đầu tư khá quy mô và ngày càng cải tiến hơn khâu thiết kế kỹ thuật cũng như về cơ sở hạ tầng vùng nuôi.
Ông Nguyễn Thành Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt. Hiện ông Phong nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2 ha. Bình quân thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.
Cũng làm giàu nhờ nuôi tôm công nghệ cao, ông Đặng Văn Bảy (ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) chia sẻ với báo Nông Nghiệp Việt Nam: “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao phải đầu tư khá lớn, trung bình khoảng 1 tỷ đồng/ha nhưng hiệu quả mang lại rất lớn do không dịch bệnh, nước xử lý kỹ nên tôm mau lớn. Tôi áp dụng theo nuôi hai giai đoạn, một ha chỉ cho nuôi khoảng 1.500m2 mặt nước, diện tích còn lại là ao ươm và ao xử lý nước, tôm sẽ nuôi với mật độ cao khi đó tôm nuôi cần rất nhiều nước sạch để thay đổi liên tục. Khi đó, năng suất năng suất khoảng 9 tấn, cao hơn 3 lần so với thả nuôi theo bình thường”.
Ông Nguyễn Văn Buội cho hay, để phát triển nuôi tôm công nghệ cao trong thời gian tới, ngành nông nghiệp đã tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án phát triển ngành tôm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh xác định 11 vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Tại các vùng nuôi tập trung này, tỉnh sẽ thành lập các hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Thông qua hợp tác xã, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ làm cầu nối để kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến liên kết với các hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị tôm ngày càng hoàn thiện hơn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tham mưu, trình UBND tỉnh chứng nhận vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cho các hợp tác xã để người nuôi tôm trong vùng sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Buội cho biết, tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, nhất là lĩnh vực nuôi tôm nước lợ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (nuôi 2, 3, 4 giai đoạn) tại địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha đất (một năm nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 36 tấn/ha đất, cao gấp hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây). Lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/ha/vụ nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Ưu điểm của loại hình nuôi mới khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi và nâng cao tỉ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích.
Nhằm tạo đột phá trong phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 41.500 ha; trong đó, nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, sản lượng 114.000 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre chú trọng tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn với doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra để xây dựng vùng nuôi tôm tập trung cung ứng nguyên liệu lớn cho chế biến.
Đặc biệt, địa phương tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu sản xuất con giống, nuôi thương phẩm đến thị trường tiêu thụ; trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.
Trước mắt, trong năm 2023, tỉnh chọn vùng trọng điểm, trọng tâm mang tính khả thi để phát triển nuôi tôm công nghệ cao, hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân sản xuất quy mô nhỏ từ 2-3 ha. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp để đầu tư phát triển ở vùng tập trung như Thạnh Phước, Thới Thuận, huyện Bình Đại; Giao Thạnh, Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú và Bảo Thuận, huyện Ba Tri.
Bến Tre mời gọi các dự án đầu tư nhà máy chế biến tôm
Tỉnh Bến Tre là địa phương chưa có nhà máy chế biến tôm hoạt động trên địa bàn. Để phát triển ngành tôm như mục tiêu đặt ra, tỉnh Bến Tre bên cạnh chú trọng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu còn ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm. Trao đổi với báo Nông Nghiệp Việt Nam về chính sách đầu tư của tỉnh đối với lĩnh vực đầu tư nông nghiệp ở địa phương với bà Trần Thị Xuân Duyên, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre được biết:
“Hiện nay, tỉnh cũng ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là nhà máy chế biến tôm, tỉnh chưa có nhà máy chế biến tôm. Bên cạnh các ưu đãi theo quy định chung, nếu nhà máy đặt tại 3 huyện ven biển sẽ được ưu đãi hỗ trợ đầu tư theo cơ chế đặc thù các huyện vùng ven biển. Những chính sách ưu đãi về giảm thuế, hỗ trợ đầu tư, hạ tầng…”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính hỗ trợ vùng nuôi thủy sản được quy định tại Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động Ban quản lý vùng nuôi thủy sản (hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Bến Tre; có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Đây là một trong những chính sách góp phần thúc đẩy phát triển diện tích nuôi tôm, nhất là tôm công nghệ cao của tỉnh Bến Tre.
Tính đến nay, các cấp ngành của tỉnh đã phối hợp với địa phương thành lập 91/100 Ban Quản lý vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh có hỗ trợ kinh phí hoạt động. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính xây dựng dự toán chi phí hàng năm, hướng dẫn trình tự quyết toán kinh phí đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Minh Hoa (t/h)