Đường hầm Marmaray, đi qua Eo biển Bosphorus hôm qua được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 90 năm Quốc khánh Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đường hầm đầu tiên trên thế giới nối liền hai lục địa Á - Âu, và được coi là mối liên kết thiết yếu trên Con đường Tơ lụa thời hiện đại. Nó là sự hiện thực hóa giấc mơ của Đế quốc Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) cách đây hơn một thế kỷ.
Công trình trải dài 13 km này sẽ là nơi tiếp đón những người đi tàu điện ngầm ở Istanbul, thành phố lớn nhất châu Âu với dân số 15 triệu người.
Được khởi công từ năm 2004, đây là một trong những dự án trọng điểm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhằm thay đổi diện mạo đất nước. Tuy nhiên, các cuộc khai quật khảo cổ học đã làm trì hoãn việc hoàn thành dự án.
Vị trí tuyến đường sắt Marmaray, trong đó đường đứt đoạn màu đen là phần đi ngầm dưới đất, đường đứt đoạn màu đỏ là phần đi ngầm dưới đáy biển. Điểm chấm màu đỏ là khu phát hiện các di tích khảo cổ. Đồ họa: BBC.
Một đoạn dài 1,4 km của toàn bộ công trình chìm hoàn toàn dưới đáy biển, cách bề mặt khoảng 60 m. Với tổng vốn đầu tư lên đến 4,1 tỷ USD, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng Mamaray sẽ phát triển thành một tuyến giao thương quan trọng.
Marmaray nằm trên khu vực đáy biển nhiều bùn và chỉ cách Đứt gãy Bắc Anatolia 20 km, làm dấy lên lo ngại rằng nó sẽ chịu ảnh hưởng của một trận động đất lớn. Tuy nhiên, nó được thiết kế với cấu trúc nổi tự do nhằm chống động đất lên tới 9 độ Richter.
Nhà ga Yenikapi ở phía châu Âu của Istanbul sẽ trưng bày những di tích khảo cổ được phát hiện trong quá trình xây dựng đường hầm. Nhiều di tích có tuổi đời tới 8.500 năm. Khu vực khai quật bao gồm cảng Byzantine và 13 con tàu đắm.
Hình ảnh bên trong đường hầm:
Theo Vnexpress