Đìu hiu bến xe tỉnh…
Ngày 24/1, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại bến xe tỉnh Ninh Thuận nằm trên QL 1A (TP.Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), vào những ngày cận kề Tết Kỷ Hợi 2019, nhưng trong khuôn viên bến xe lại đìu hiu, chỉ có 1 - 2 hành khách vào mua vé và chờ xe xuất bến. Thậm chí, nhiều quầy bán vé cũng không có nhân viên.
Mặc dù, bãi xe rộng trên 20.000m2, nhưng chỉ có khoảng 10 chiếc xe đỗ tại bến để chờ khách mua vé. Do ế ẩm, chủ bến xe phải cho thuê một phần bến làm bãi đỗ xe.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lợi, Giám đốc bến xe khách tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Tổng mức đầu tư bến xe là gần 90 tỷ đồng. Bến xe được trang bị đủ tiện nghi theo chuẩn bến xe loại 1 do bộ Giao thông vận tải công nhận. Bến có sức chứa khoảng 1.000 xe khách ra vào mỗi ngày. Nhưng hiện nay, bến xe luôn vắng xe vào đón, trả khách”.
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao bến xe khách ế ấm, PV báo Người Đưa Tin đã đi khảo sát các tuyến đường trong nội đô TP.Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), điều dễ nhận thấy là nhiều văn phòng của các hãng xe là nơi bán vé và đón, trả khách đang hoạt động khá nhộn nhịp.
Chiều 24/1, trong vai một hành khách cần mua vé đi Ninh Thuận - TP.HCM trong ngày 25/1, PV báo Người Đưa Tin tìm đến điểm bán vé của nhà xe Hoàng Anh trên đường Hoàng Xuân Hương, phường Thanh Sơn và được một nhân viên ở đây cho biết: “Anh mua vé 20h30 thì phải có mặt tại điểm bán vé trước 30 phút để lên xe đi, giá vé là 150.000 đồng.”
Qua nhiều ngày theo dõi, PV đã ghi nhận thực tế tại một số điểm bán vé của các nhà xe như: Thiện Trí, Như Quỳnh, Hoàng Anh,… việc đón trả khách tại các nơi này cũng không đúng như quy định, các nhà xe tự ý đón trả khách tại chỗ mà không cần lên bến xe tỉnh.
Đơn cử, xe khách Hoàng Anh, không đậu trong bến xe khách tỉnh, mà đậu tại trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Thuận và khi đúng giờ, xe này lại xuất phát đến điểm bán vé để nhận khách.
Theo khoản 2, điều 4 của Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 tuyến vận tải khách cố định có cự ly 300km trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Còn tại khoản 4, điều 58 của thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 do bộ Giao thông vận tải đã quy định rõ: “Đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ đại lý bán không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm nơi đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp trùng với điểm cho phép dừng đón, trả khách do sở Giao thông vận tải địa phương quy định”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Minh Từ, Phó Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Thanh tra Sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên ngành ra quân chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, nên khó chấm dứt được tình trạng này. Trong năm 2019, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận, kiểm soát chặt chẽ hơn và kiên quyết chấm dứt tình trạng bến cóc, xe dù”.
Nhà xe không vào bến nguyên nhân do đâu?
Theo thống kê mới nhất của sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận, hiện nay, toàn tỉnh có 129 xe đăng ký tuyến cố định của 14 đơn vị. Trong khi đó, số lượng xe hợp đồng lại đăng ký nhiều hơn với 423 xe/19 đơn vị.
Trong 3 ngày liên tiếp từ 15, 16 và 17/1, qua theo ghi nhận của PV tại bến xe, mỗi ngày chỉ có 10 đến 19 chiếc xe khách vào bến đậu và đón, trả khách đúng quy định, còn lại các xe khác đều đón, trả khách tại điểm bán vé.
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao xảy ra tình trạng nhà xe “chê” bến xe khách, PV báo Người Đưa Tin cũng đã liên hệ với một số doanh nghiệp vận tải hành khách, một số đơn vị vận tải cho biết: “Bãi đậu xe tại bến xe khách tỉnh, vào ban ngày không có mái che nên nhiều hãng ngại để xe nằm phơi nắng, phơi mưa”.
“Ngoài ra, trước đây, UBND tỉnh đã ban hành quy định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe loại 4, nhưng sau này sửa đổi ban hành thành loại 1 hai mức giá chênh lệch nhau cao. Theo quy định, bến xe loại 1 xe tuyến nội tỉnh có cự ly dưới 50km có giá 1.960 đồng/ghế/chuyến-xe, xe chạy tuyến liên tỉnh liền kề có cự ly từ 50km đến dưới 230km có giá 2.800 đồng/ghế/chuyến-xe; xe chạy tuyến liên tỉnh có cự ly từ 230km đến dưới 300km có giá 4.340 đồng/ghế/chuyến-xe; xe chạy tuyến liên tỉnh có cự ly trên 300km có 5.600 đồng/ghế/chuyến-xe. Việc mỗi tháng nhà xe phải chi trả từ 78.400 - 224.000 đồng/xe/tháng là rất cao. Để tiết kiệm kinh phí, chúng tôi giảm số chuyến/xe/tháng. Với lại, nói là bến xe khách Ninh Thuận đạt loại 1, nhưng các tiện nghi trong nhà vệ sinh, hành lang… lại không bằng các bến xe loại 1 ở tỉnh khác”, một số đơn vị vận tải thẳng thắn nói.