Nằm bên đường QL1A, bãi đất vàng 1.500 m2 thuộc phường Đậu Liêu được UBND tỉnh Hà Tĩnh quy hoạch thành bến xe khách Hồng Lĩnh, nhằm đón trả khách và phục vụ kinh doanh ăn uống, giải khát.
Thế nhưng, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, nơi này mỗi ngày chỉ có vài lượt xe ghé vào đón, trả khách, hoạt động chính của bến diễn ra khá lèo tèo. Để có thêm thu nhập, BQL bến xe Hồng Lĩnh đã cho một số doanh nghiệp thuê, mượn bất chấp sự an toàn toàn của các chuyến xe cập bến.
Theo quan sát của phóng viên, phần lớn diện tích bãi đỗ xe được biến thành nơi tập kết gỗ với đủ chủng loại khác nhau. Gỗ được xếp thành từng đống to nhỏ, nằm rãi rác khắp nơi trong bến xe, làm cho nhiều ô tô khi muốn ghé vào bến này để trả, đón khách cũng ngại vướng phải gỗ.
Những đống gỗ cao chất ngất được che chắn bằng bạt màu cam.
Anh Nguyễn Công Lâm – Lái xe Bắc Nam chạy qua địa phận thị xã Hồng Lĩnh, thường ghé trả khách tại bến này, giờ đi qua đây nhìn thấy gỗ ngổn ngang trong bến cũng lắc đầu rồi cho xe chạy thẳng luôn. Anh cho biết, nhiều khi muốn cho xe vào bến trả khách nhưng không dám vì sợ lỡ xe đâm vào gỗ thì hậu quả khó lường, xe hỏng đã đành nhưng tính mạng hành khách mới quan trọng…”.
Một lái xe chạy tuyến Đà Nẵng – Vinh cũng ngao ngán: "Từ khi có bến xe thị xã Hồng Lĩnh, xe của tôi vẫn tạt vào bến để đón và trả khách. Nhưng gần đây, thấy trong bến có những đống gỗ để bừa bãi, ngổn ngang, chúng tôi cũng ngại vào hơn. Đến nay thì không còn vào đó nữa, nếu có khách lên xuống thì đón ngay ngoài đường vào bến, chứ không vào trong".
Thời gian qua, Ban Quản lý bến xe Hồng Lĩnh không chỉ biến nơi đây trở thành điểm tập kết gỗ, mà hệ thống nhà xưởng, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bến xe cũng được cho một cơ sở chế biến nước uống đậu nành từ Hà Nội vào sản xuất kinh doanh trái phép.
Với công nghệ được cấp cho một công ty ở Hà Nội nhưng lại đưa về sản xuất ngay tại địa bàn Hà Tĩnh mà không có bất kỳ một giấy phép kinh doanh nào. Những hoạt động này vẫn diễn ra hàng ngày ngay chính trong lòng bến xe mà không có sự can thiệp nào của cơ quan chức năng.
Giải thích vì sao bến xe lại trở thành nơi tập kết gỗ, cho thuê xưởng làm nơi sản xuất sữa không có giấy phép kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Lý - Trưởng bến - cho biết: "Do từ khi bến xe đi vào hoạt động đến nay, lượng xe cập bến rất ít, mỗi ngày chỉ có 1 đến 2 xe, thậm chí có ngày không có xe nào vào bến, nên anh em tận dụng những chỗ còn trống cho một số doanh nghiệp tập kết gỗ quá tải (gỗ vận chuyển trên xe quá tải bị công an bắt hạ xống – PV), mỗi lần như vậy, họ gửi lại cho mỗi người vài ba chục nghìn uống nước…".
Ông Lý cũng thừa nhận việc bến xe cho một số doanh nghiệp tập kết gỗ là sai, nhưng do xét thấy việc làm này chưa ảnh hưởng gì đến hoạt động chính của bến nên đơn vị vẫn để doanh nghiệp bỏ tạm gỗ tại bến.
Đem những thắc mắc của người dân về việc bến xe Hồng Lĩnh được quy hoạch làm nơi đón, trả khách nhưng lại cho thuê để sản xuất sữa lậu và tập kết gỗ quá tải phản ánh tới ông Lê Dũng Tiến - Trưởng BQL bến xe Hà Tĩnh - thì ông này thản nhiên cho rằng: “Về gỗ tập kết ở bến xe thị xã Hồng Lĩnh, tôi không quan tâm lắm, vì đây là gỗ của một số xe chở quá tải được người ta gửi lại trong bến. Còn cơ sở sản xuất sữa đậu nành đó, chúng tôi cho mượn tạm chứ không thu thuế...”.
Những đống gỗ to nhỏ la liệt trong bến xe thị xã Hồng Lĩnh.
Có thể khẳng định, việc BQL bến xe Hà Tĩnh cho phép bến xe Hồng Lĩnh tập kết gỗ, cho thuê xưởng sản xuất sữa là có thu tiền. Trong khi ông Lý, Trưởng bến xe Hồng Lĩnh khẳng định, toàn bộ số tiền thu được từ những việc làm trên đều được nộp vào ngân sách nhà nước, thì ông Tiến lại cho rằng, đất bến xe cho doanh nghiệp tập kết gỗ quá tải và mở xưởng sản xuất sữa đậu nành chỉ là cho mượn tạm mà thôi.
Không hiểu với “tinh thần nghĩa hiệp” này của BQL bến xe Hà Tĩnh và bến xe Hồng Lĩnh, tính mạng của hành khách khi cập bến sẽ xảy ra điều gì. Đó là còn chưa nói, việc Ban quản lý cho một cơ sở không giấy phép kinh doanh, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sản xuất sữa đậu nành ngay trong khu vực trung tâm bến xe. Từ đây, những hộp sữa không ghi rõ nơi sản xuất được tung ra các tỉnh khác. Sức khỏe, sự an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, của hành khách, ai sẽ chịu trách nhiệm? Câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng để làm rõ.
Công Lâm