Theo báo cáo của WHO, tính đến ngày 29/5, tổ chức này đã nhận được báo cáo của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi. Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) ghi nhận 12 ca mắc ở 8 tiểu bang.
Ở 5 quốc gia châu Phi (nơi bệnh đậu mùa khỉ thường được phát hiện) WHO cho biết họ đã nhận được báo cáo về 1.365 ca mắc, 69 trường hợp tử vong. Những ca bệnh này được báo cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau từ giữa tháng 12/2021 đến cuối tháng 5.
Theo Medical Xpress, tiến sĩ Aime Alongo, trưởng bộ phận y tế Sankuru - Congo, cho biết hôm 30/5 rằng đã có 465 ca đậu mùa khỉ được xác nhận tại quốc gia này, trong đó có 9 trường hợp tử vong.
Như vậy, Congo trở thành một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đậu mùa khỉ trong năm 2022 ở vùng Tây và Trung Phi - nơi căn bệnh này thường xuyên lưu hành.
Tiến sĩ Alongo cho hay căn bệnh này tồn tại dai dẳng ở Congo do việc tiêu thụ khỉ và động vật gặm nhấm đã chết: "Người dân vào rừng, nhặt xác của khỉ, dơi và các loài gặm nhấm, vốn là ổ chứa mầm bệnh đậu mùa khỉ", ông giải thích và kêu gọi những người có triệu chứng đến các trung tâm y tế để được cách ly, điều trị.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Nigeria, trong năm 2022 họ đã xác định được 66 trường hợp nhiễm/nghi nhiễm, trong đó 21 ca đã được xét nghiệm khẳng định. Ca tử vong vừa ghi nhận là 1 bệnh nhân 40 tuổi, có bệnh nền, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh ở các quốc gia ngoài khu vực châu Phi gần đây. Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 30/5, WHO cho rằng không có khả năng bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở các nước bên ngoài châu Phi trở thành đại dịch. Tuy nhiên, tổ chức này chưa rõ liệu những người không triệu chứng có thể lây truyền virus sang cho người khác hay không.
WHO đang xem xét liệu đợt bùng phát hiện tại có nên được đánh giá là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn được quốc tế quan tâm” (PHEIC) hay không. Mức đánh giá này từng được xếp loại cho Covid-19, Ebola và sẽ giúp đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Khi được hỏi liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này có thể trở thành đại dịch hay không, bà Rosamund Lewis, Trưởng nhóm kỹ thuật về bệnh đậu mùa khỉ từ Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, chia sẻ: “Chúng tôi không biết nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Hiện tại, chúng tôi không lo lắng về đại dịch toàn cầu có thể xảy ra. Vẫn chưa rõ liệu bệnh có lây lan ở người không có triệu chứng hay không. Các dấu hiệu trước đó cho thấy đây không phải đặc điểm chính của virus nhưng vẫn cần làm rõ thêm”.
Chủng virus gây đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có thể gây tử vong với tỷ lệ nhỏ. Song, chưa có ca tử vong nào trong đợt bùng phát này ở ngoài châu Phi được báo cáo.
Quốc Tiệp (t/h)