2 loại Viêm đường hô hấp
Căn bệnh này được chia thành 2 loại:
Viêm đường hô hấp trên bao gồm: Viêm họng, viêm mũi xoang,... hay gặp và dễ điều trị hơn.
Và bệnh đường hô hấp dưới như: Viêm phổi, hen phế quản, viêm tiểu phế quản, bệnh thường nặng hơn, và phải điều trị lâu dài.
Tác nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh này là do hoạt động của các loại virus, vi khuẩn. Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đòi hỏi cơ thể phải thích ứng dần với điều kiện sống mới. Đây là thời điểm cơ thể dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt đối với những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ em và người cao tuổi. Những tác động của các loại virus bên trong cơ thể cũng như các loại virus ngoài môi trường sẽ nhân thời cơ gây ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp gây viêm, nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, các tác nhân bên ngoài như khói bụi, khói thuốc cũng góp phần khiến căn bệnh này tăng nhanh.
Nhận biết bệnh đường hô hấp
Viêm đường hô hấp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là tổng hợp bệnh do bị cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản….với triệu chứng dễ nhận biết như: Sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi .v.v…
Đặc trưng của bệnh viêm đường hô hấp trên là thời gian ủ bệnh ngắn, tốc độ biểu hiện bệnh nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt. Trong thời gian nhiễm bệnh, người bệnh thường bị sốt cao chia thành từng cơn. Nhiệt độ cơ thể trung bình tầm 39 độ C. Đi kèm với sốt là sổ mũi, hắt hơi liên tục, có khi đến 4-5 cái/một lần và xuất hiện nhiều lần trong ngày. Sau đó người bệnh sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi.
Virus gây bệnh ở thanh quản sẽ khiến người bệnh bị khàn tiếng đến tắt tiếng vì dây thanh âm bị phù nề, viêm nhiễm.
Viêm đường hô hấp trên phần lớn sẽ tự khỏi sau 5 -6 ngày, trường hợp lâu có thể đến một tuần. Mặc dù các bệnh này không nguy hiểm nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe con người gây cản trở quá trình lao động, học tập. Ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch, căn bệnh có thể gây nhiều biến thể nghiêm trọng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bệnh viêm đường hô hấp là một căn bệnh có thể phòng ngừa, chỉ cần chú ý giữ gìn sức khỏe trong khoảng thời gian giao mùa là đã có thể tránh được các ảnh hưởng của các vi khuẩn, virus có hại.
Bên cạnh đó, một số biện pháp để phòng bệnh bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh, bệnh nhân.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ để hạn chế virus xâm nhập cơ thể.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, quét dọn thường xuyên.
- Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi đến những môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi.
- Tránh làm việc, học tập trong môi trường nhiệt độ quá cao .
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, mưa…
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để tăng cường sức đề kháng, hạn chế các loại thức ăn lạnh dễ gây ảnh hưởng đến cơ thể.
- Đối với trẻ sơ sinh cần cho bé bú sữa mẹ, kết hợp uống đủ nước và chế độ ăn nhiều rau xanh.
- Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng dung dịch muối sinh lý.
Tôn Vỹ (Tổng hợp)