Hội chứng khô mắt (DES - Dry Eye Syndrome) là một rối loạn phổ biến của màng phim nước mắt, ảnh hưởng đến tỉ lệ đáng kể dân số, đặc biệt là những người lớn tuổi (ngoài 40 tuổi). Ước tính có 25-30 triệu người bị ảnh hưởng tại Hoa Kỳ. DES có thể ảnh hưởng đến bất kỳ chủng tộc nào và phổ biến hơn ở phụ nữ.
Báo cáo TFOS DEWS II tại hội thảo Khô mắt Quốc tế lần II năm 2017 chỉ ra, bệnh khô mắt ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên thế giới và là nguyên nhân phổ biến nhất khiến mọi người đi khám mắt. Tại Việt Nam, có khoảng 4 - 8 triệu người bị khô mắt ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin về hội chứng khô mắt, BS Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc bệnh viện Mắt Quốc tế DND chỉ ra, hội chứng khô mắt với các triệu chứng chính là cộm mắt, đỏ mắt, kích thích mắt kèm theo đau nhiều, bệnh khô mắt gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, khiến sức khỏe suy giảm và hay trầm cảm.
Các triệu chứng này trở nên tồi tệ hơn ở vùng khí hậu khô, trong điều kiện gió, nhiệt độ cao hơn, với độ ẩm thấp hơn và việc tập trung mắt kéo dài (ví dụ: Đọc sách, xem tivi…) trong ánh sáng tối, cho thấy chúng ta đang có những dấu hiệu bị khô mắt.
Đôi khi, một triệu chứng khô mắt xuất hiện liên tục quá mức làm mắt của chúng ta trở nên hơi khô và bị kích thích. Mắt có thể bắt đầu phản xạ chảy một số lượng lớn các giọt nước mắt cùng lúc để cố gắng làm ẩm và thoải mái cho mắt.
Nhưng điều này sẽ không cải thiện được chứng khô mắt vì mắt không thể xử lý rất nhiều nước mắt tại một thời điểm. Phần nước mắt dư thừa sẽ đổ trên mí mắt và xuống má của bạn, gây ra lãng phí nước mắt. Một thời gian ngắn sau đó, đôi mắt sẽ lại có cảm giác hơi khô và bị kích thích một lần nữa. Toàn bộ quá trình như trên có thể lặp lại.
Bên cạnh đó, BS Dũng cho hay, nếu không được điều trị, khô mắt nặng có thể dẫn đến viêm mắt, nhiễm khuẩn, gây sẹo bề mặt giác mạc, giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
BS Dũng cũng có những phân tích sâu hơn về hai biến chứng thường gặp là viêm kết mạc và viêm giác mạc của hội chứng này:
Thứ nhất là viêm kết mạc: Hầu hết các trường hợp viêm kết mạc do khô mắt rất nhẹ và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và chuyển thành thể mạn tính, bạn cần thiết phải gặp bác sĩ nhãn khoa.
Thứ hai là viêm giác mạc: Biến chứng nghiêm trọng do bệnh khô mắt không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với thuốc. Viêm giác mạc kết hợp với khô mắt có thể làm hỏng bề mặt của giác mạc, khiến giác mạc dễ nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến tầm nhìn, sẹo giác mạc, giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
Khô mắt là hiện tượng có thể gặp phải sau khi phẫu thuật điều trị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) với nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Do vậy, khám ban đầu, đánh giá tình trạng khô mắt; lựa chọn công nghệ Laser hiện đại, giảm thiểu tối đa hiện tượng khô mắt; chăm sóc và bảo vệ mắt sau phẫu thuật có vai trò rất quan trọng giúp bệnh nhân duy trì thị lực bền vững, tránh tình trạng khô mắt kéo dài dẫn đến những biến chứng khó lường.
“Nếu bị khô mắt sau khi phẫu thuật, bác sĩ xem xét mức độ và tình trạng khô mắt thực tế, đánh giá khả năng điều trị trước khi bắt tay vào việc thực hiện phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, để không gặp phải hiện tượng khô mắt, bệnh nhân nên sử dụng nước mắt nhân tạo liên tục trong vòng 6 tháng để hỗ trợ giác mạc mới được tái tạo; thực hiện đúng vệ sinh thị giác, áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20 tức là, sau mỗi 20 phút làm việc sẽ để mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn xa 20 feet (khoảng 6m); đeo kính bảo vệ mắt trước khi ra đường hoặc bơi lội dưới nước; uống đủ lượng nước 1,5 – 2l/ngày; bổ sung thức ăn có chứa các chất béo, dầu omega3 tốt cho mắt…”, BS Dũng nhấn mạnh.