Vụ việc nhân viên y tế tại bệnh viện Đa khoa Cái Răng (Cần Thơ) tự tháo khớp chân trái mấy ngày qua khiến dư luận bàng hoàng. Mặc dù cơ quan chức năng đã kết luận nhân viên này mắc bệnh lý hiếm gặp là rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (BIID), và bệnh hoàn toàn có thể điều trị, tuy nhiên sự tò mò về căn bệnh lạ này vẫn chưa dừng lại.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với BS. Đoàn Mạnh Nam, Điều dưỡng trưởng thuộc Khoa Khám bệnh, bệnh viên Đa khoa Hòa Bình để có thêm thông tin về bệnh lý này.
Thưa bác sỹ, bệnh lý rối loạn nhận dạng cơ thể (BIID) là bệnh lý gì? Nó có biểu hiện ra sao và có dễ nhận ra không?
Bệnh lý rối loạn nhận dạng cơ thể (BIID) là dấu hiệu của bệnh thần kinh không làm chủ bản thân. Nó khiến người mắc bệnh lý này luôn bị ám thị bởi một người khác hay của chính bản thân mình, luôn nghĩ tới bị người khác hành hung, đe dọa, mất tự chủ trong công việc và bị ám ảnh dọa nạt. Thậm chí, nó còn dẫn đến hành động không tự chủ, đập phá, hay có những hành động lạ cho bản thân mình và người xung quanh.
Người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể thường được cho là mong muốn mình tàn phế. Họ có suy nghĩ một phần cơ thể như tay, chân bị thừa. Người mắc bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể thường lạ lẫm với chính một phần cơ thể của mình.
Những biểu hiện thường thấy: Người bệnh luôn bị ám ảnh có lời nói ở trong tai và biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay hành động không làm chủ bản thân.
Thưa BS, bệnh này có thể phát hiện sớm qua việc thăm khám bệnh thông thường hay không? Người mắc bệnh lý này có gây hại cho bản thân và những người xung quanh không?
Có thể nói, bệnh lý BIID rất khó phát hiện qua khám bệnh. Những người mắc bệnh lý này vẫn chung sống, làm việc, sinh hoạt bình thường với những người xung quanh. Bệnh lý tồn tại âm thầm trong cơ thể người bệnh. Nó bộc phát khi người bệnh rơi vào trạng thái căng thẳng về thần kinh do công việc, cuộc sống gia đình…hay những thay đổi về thời tiết.
Khi bệnh lý này bộc phát sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người có bệnh. Họ không thể làm chủ bản thân mình, có những hành động không kiểm soát được. Thậm chí, khi đang làm việc bình thường nhưng nếu có kích động nào đó có thể bỏ công việc là những việc không kiềm chế được như nhảy từ tầng cao xuống cứ nghĩ là mặt đất hay tháo bỏ cơ quan bộ phận trên người mình hay lấy dao tự cắt tay chân... Những người xung quanh sống và làm việc cũng sẽ bị đe dọa khi bệnh bộc phát.
Bệnh lý này có di truyền hay không, thưa BS?
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng tỏ bệnh lý này có di truyền. Y học hiện nay có phương thức chữa loại bệnh này. Khi phát hiện ra bệnh lý này, những người bệnh nên đi khám định kỳ và uống các loại thuốc kiềm chế các kích thích trung tâm thần kinh.
Cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi này!
Vi Hậu