Theo Daily Mail, ông Shyam Lal Yadav đến từ làng Rahli ở Madhya Pradesh, Ấn Độ, bị mọc một chiếc sừng trên đỉnh đầu từ năm 2014.
"Vài năm trước, bệnh nhân bị cộc đầu, rồi sau đó khối u bắt đầu phát triển và nhô lên. Ban đầu, ông ấy không để ý vì nó không gây bất tiện gì, hơn nữa ông cũng nhờ một người thợ cắt tóc địa phương cắt ngắn nó. Nhưng khi khối u lồi này trở nên cứng và mọc lên nhanh hơn, ông đã tới bệnh viện ở Sagar. Theo ngôn ngữ y học, nó được gọi là sừng bằng bã nhờn (sừng quỷ). Do sừng tạo thành từ keratin, một chất có trong móng tay người, chúng tôi dùng một lưỡi dao đã được vô trùng để cắt bỏ nó", bác sĩ Vishal Gajbhiye nói.
Nguyên nhân chiếc sừng mọc trên đầu ông Yadav chưa được làm rõ. Bác sĩ nghi ngờ rằng việc tiếp xúc với bức xạ hoặc ánh sáng mặt trời có thể đã kích thích chiếc sừng phát triển nhanh.
Bên trong da đầu có một tuyến bã nhờn tiết ra chất lỏng để bôi trơn tóc và da. "Có lẽ chất dịch đã không tiết ra nữa nên tích tụ lại và biến thành sừng", bác sĩ Gajbhiye nhận định.
Sau khi chụp CT để đảm bảo an toàn, bác sĩ Gajbhiye đã thực hiện ca phẫu thuật tại bệnh viện Bhagyoday Tirth ở thành phố Sagar.
Trường hợp như ông Shyam Lal Yadav ở trên không phải là duy nhất trên thế giới. Trong lịch sử y học cho đến nay từng ghi nhận rất nhiều trường hợp người mọc sừng. Những chiếc sừng này trông có vẻ rất cứng nhưng thực chất chúng được cấu tạo từ keratin cũng giống như tóc hay móng tay vậy nên chúng được các nhà khoa học gọi là bệnh sừng da (cutaneous horn).
Thông thường những chiếc sừng da thường mọc ra từ trên đầu hay lỗ tai của các loài động vật có vú vốn không có sừng. Tuy nhiên theo nghiên cứu, chứng sừng da đặc biệt phổ biến ở con người hơn là các loài động vật.
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được vì sao căn bệnh sừng da xuất hiện. Tuy vậy, những chiếc sừng thông thường mọc ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng như mặt, cổ, tai, mu bàn tay, đỉnh đầu… Chính vì vậy nhiều giả thuyết cho rằng bức xạ mặt trời có thể là thứ đã kích thích căn bệnh phát triển.
Phong Linh (tổng hợp)