Không thể coi "chủ nghĩa kinh nghiệm" là trên hết
Bộ Nội vụ cho biết, trong đợt thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp của các bộ, ngành có khoảng 30% thí sinh không đạt yêu cầu. Trong đó, số lượng trượt phần nhiều rơi vào các lãnh đạo cơ quan. Ngay trong bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm cần thiết, tức là 36,6% trượt.
Được biết, để trúng tuyển, tất cả môn thi đều phải đạt trên 50 điểm trong tổng điểm 100. Số công chức trượt ngạch đã được gửi danh sách cho các bộ, ngành, địa phương. Những người này vẫn được tiếp tục thi trong các kỳ thi sau.
Thi tuyển công chức đang có nhiều cải tiến để ngăn chặn tiêu cực (Ảnh minh hoạ).
Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng bộ Nội vụ, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất là kỳ thi đã thể hiện được sự công bằng trong thi cử. Người có trình độ, năng lực tốt chắc chắn sẽ thi đỗ. Với hình thức mới này, nhiều địa phương và bộ, ngành đang hưởng ứng, trong đó Hải Phòng sắp tới, hình thức thi này sẽ được áp dụng ở Hà Nội và một số bộ, ngành khác.
Lý giải về con số 30% công chức thi trượt, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết: "Đợt vừa rồi thi dồn hai năm nên số lượng cán bộ tham gia thi nâng ngạch khá đông. Hơn nữa, năm nay bộ Nội vụ có chủ trương là thi nâng ngạch cạnh tranh, những ai đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì đều đi thi.
Những năm trước chúng ta tổ chức thi theo chỉ tiêu, chẳng hạn mỗi cơ quan được 10 chỉ tiêu nâng ngạch thì có thể xin 10-12 người đi thi; còn năm nay không giới hạn như những năm trước nên số lượng thi đông hơn. Năm nay có sự thay đổi nên số lượng không đạt yêu cầu kỳ này cũng nhiều hơn những năm trước. Thi cử có nhiều vấn đề song về căn bản nó vẫn là công cụ để "đo, đếm" trình độ và chất lượng của đội ngũ.
Bàn luận về việc trong đợt thi vừa qua, lãnh đạo các cơ quan chiếm phần lớn tỷ lệ thi trượt, vị nguyên thứ trưởng thẳng thắn nói: "Trong con số 30% trên, số lượng trượt phần nhiều rơi vào các lãnh đạo cơ quan cũng là một điều đáng lưu ý. Con số đó cho thấy các cơ quan cần phải quan tâm đến chất lượng công chức của mình. Bản thân các nhà lãnh đạo phải có ý thức xem xét lại chính mình. Nắm giữ vị trí lãnh đạo cần có năng lực thực sự chứ không thể coi "chủ nghĩa kinh nghiệm" là trên hết. Những con số này cũng là bài học kinh nghiệm để chúng ta tổ chức các kỳ thi sau".
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ.
Cần sàng lọc những cán bộ yếu kém
Đánh giá lại cơ chế thi tuyển hiện tại, ông Phúc cho rằng, cán bộ của chúng ta vẫn còn rất nhiều người có trình độ tốt, tuy nhiên vì lý do nào đó hoặc do cơ chế hiện thời của ta có điểm gì chưa đảm bảo để cho những người giỏi thực sự đi vào các vị trí lãnh đạo. Chính vì thế, chúng ta đang tích cực đổi mới cơ chế nhân sự, thông qua thi tuyển cạnh tranh để tuyển chọn được những người tài vào công vụ, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Long An họ đang tiến hành và làm rất tốt.
GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất buồn về trình độ của một bộ phận công chức hiện nay. 30% số lượng công chức trượt trong kỳ thi nâng ngạch không phải là con số nhỏ. Bởi vì trong nhiều đợt thi những năm trước đó, con số này chỉ từ 3-5%, thậm chí tất cả đều đỗ. Điều đầu tiên, tôi cảm thấy mừng vì phương pháp thi năm 2013 có nhiều thay đổi, công bằng hơn, chính xác hơn. Tuy nhiên, khi ngẫm về con số mà bộ Nội vụ đưa ra chắc chắn không ít người sẽ giật mình.
Điều đáng nói hơn nữa, phần lớn những người không đủ điểm lại là lãnh đạo các cơ quan. Phía sau vấn đề này cho thấy, hiện nay tình trạng "ngồi nhầm" vị trí trong một số cơ quan Nhà nước vẫn phổ biến. Nhưng người có trình độ thực sự thì vì một lý do nào đó phải làm "lính" cho những người biết "đi cửa sau". Có thể với cách thi như thế này, chúng ta sẽ sàng lọc được những cán bộ, lãnh đạo như thế”.
Do năng lực, hay do “nhầm ghế”
GS. Trần Hồng Quân cho biết, ông cũng nghe rất nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến, nếu lãnh đạo trượt trong đợt thi nâng ngạch nên nhường lại vị trí cho những người trẻ có tài hơn. Tuy nhiên, trong vấn đề này, chúng ta cần phải xét nhiều góc độ. Có thể, khi thi họ đạt điểm thấp hơn nhưng họ lại có kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết. Nếu muốn thay thế ở cấp lãnh đạo của một cơ quan nào đó, chúng ta cần phải xét đến tất cả các yếu tố.
"Tôi cũng đồng ý với việc, nếu điểm thi thấp, cách quá xa so với điểm chuẩn thì cán bộ đó cần có thêm một cơ hội. Nếu tình trạng trên vẫn xảy ra thì cần phải làm mới. Bởi, trong sự phát triển của xã hội hiện nay, kinh nghiệm là không đủ để đưa đất nước đi lên", GS. TS Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, con số 30% công chức hoạt động không hiệu quả có thể không hoàn toàn do “chạy” công chức mà ra. Nhiều cán bộ do không được bố trí đúng công việc, phù hợp với năng lực nên dẫn đến tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Tình trạng “chạy” công chức không hẳn là do lương của các cán bộ thấp. Điều cốt lõi là ở đạo đức của cán bộ. Người cán bộ chấp nhận việc “chạy” công chức không phải vì dân vì nước mà vì tư lợi.
Văn Chương - Phạm Hạnh