Cảnh chen lấn chờ khám bệnh, nằm gầm giường, nằm ghép 3 đến 4 bệnh nhân một giường vẫn hiện hữu trước mắt bà Bộ trưởng Bộ Y tế. Giải pháp giảm tải cho bệnh viện Ung Bướu đang… bế tắc.
Sáng qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Y tế, dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc tại BV Ung Bướu TP.HCM về việc nâng cao chất lượng khám bệnh. Tới đây, bà Tiến “choáng” với cảnh quá tải ở BV này, mặc dầu đây không phải là thông tin mới.
Quá tải tại Ung Bướu là thực tế diễn ra từ lâu
Ngay từ cổng BV Ung Bướu, bệnh nhân đã chen chân đứng ngồi lố nhố chờ khám bệnh. Tất cả các hành lang, ghế đá đều có bệnh nhân và người nhà trải chiếu nằm. Tại các phòng điều trị còn “ngợp” hơn, khi hầu như tất cả các giường đều phải nằm ghép 4 - 5 bệnh nhân. Khốn khổ hơn là nhiều bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường.
BS Lê Hoàng Minh, giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Bệnh nhân không có chỗ nằm, mang tiếng là đến BV để nằm điều trị, nhưng thực chất là họ “ngồi” để điều trị”. Giường thực kê của BV chỉ có 631 chiếc nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú luôn lên đến 1.800 người và ngoại trú 9.510 người, nên tình trạng nằm ghép, nằm hàng lang, dưới gầm giường là không thể tránh khỏi.
BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết thêm trung bình một ngày BV khám cho 1.500 lượt bệnh nhân, trong năm qua đã khám cho hơn 372.000 lượt bệnh nhân. Mặc dù BV đã phải bắt đầu làm việc từ 6h sáng (thay vì 7h như trước) nhưng vẫn không giải quyết được hết nhu cầu. Nhiều bệnh nhân có mặt ngay tại BV từ 4h sáng, xếp hàng chờ tới lượt khám bệnh, trong đó 78% là bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành phố khác.
Trung bình một bệnh nhân từ lúc lấy số khám bệnh đến khi khám được bệnh phải mất 2 giờ. “Do lượng bệnh nhân quá đông, nên thời gian bác sĩ “gặp” được bệnh nhân rất ít”, BS Dũng thừa nhận. Ngoài ra, BV đang thiếu nguồn nhân lực nghiêm trọng, hiện chỉ có khoảng 200 BS khám và điều trị cho 372.000 lượt bệnh nhân/năm. Tuy nhiên, theo BS Lê Hoàng Minh công tác tuyển BS cũng gặp nhiều khó khăn. Phần lớn BS mới ra trường chỉ muốn làm ở các BV đa khoa chứ không thích BV chuyên khoa; mặt khác, không phải BS nào tốt nghiệp cũng đảm bảo chuyên môn mà cần phải đào tạo lại trong thời gian tương đối dài.
Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại BV Ung Bướu, mà các BV khác tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Chấn thương Chỉnh hình,... cũng rơi vào cảnh tương tự.
>> Chùm ảnh: Bệnh nhân ‘bò’ ra đón bộ trưởng Y tế
P.Sang (t/h)