Sau khi bác sĩ Hoàng Công Lương (SN 1986), bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình bị khởi tố vì thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân chạy thận đã ký vào đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xin được giảm nhẹ tội cho bác sĩ Lương. Ngày 5/7, niềm mong mỏi ấy của họ đã một phần được đáp lại khi bác sĩ Lương được tại ngoại.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bệnh nhân Trần Văn Quang (SN 1966, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, 1 trong 10 nạn nhân sống sót sau sự cố chạy thận tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) không giấu nổi niềm vui khi hay tin bác sĩ Lương tại ngoại.
Ông Quang chia sẻ, ông biết được thông tin này qua các phương tiện truyền thông. Là một trong những người luôn coi bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân, ông Quang mong vị bác sĩ luôn tận tình với bệnh nhân như bác sĩ Lương sẽ sớm trở về với công việc để chăm sóc các bệnh nhân bị suy thận.
“Sau khi xảy ra sự cố y khoa ấy, tôi may mắn còn sống và được chuyển xuống bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngay trong đêm 29/5. Sau khi sức khỏe khá lên, tôi và 9 người sống sót còn lại được chuyển về bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để tiếp tục lọc máu chu kỳ.
Tôi luôn mong ngày cơ quan công an sẽ gỡ bỏ lệnh niêm phong đối với đơn nguyên thận nhân tạo để chúng tôi sớm được lọc máu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chạy thận ở đâu cũng là chạy thận nhưng ở nơi quen vẫn thích hơn”, ông Quang tâm sự.
Đây là năm thứ 10 ông Quang chạy thận nhân tạo, lại thêm bệnh suy tim nên mỗi lần chạy thận xong, ông Quang rất mệt. Dù vậy, người đàn ông ấy vẫn muốn một ngày gần nhất sẽ qua thăm bác sĩ Lương, để lại được bác sĩ bắt tay, nghe bác sĩ căn dặn, chia sẻ về cách chữa bệnh, về cuộc sống...
“Tôi cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe bác sĩ qua các điều dưỡng của đơn nguyên thận nhân tạo, qua bạn bè thân thiết của bác sĩ nhưng mọi người đều nói, bác sĩ hiện tại chưa muốn gặp ai”, ông Quang nói thêm.
Bất chợt, nét mặt ông Quang chùng lại khi nhớ về những ngày đi chạy thận trước kia, về những người bạn đã mất trong sự cố y khoa ngày 29/5. Đã có nhiều lúc ông buồn, hụt hẫng, tinh thần đi xuống khi nghĩ về họ. Bởi lẽ, từ lâu họ đã coi nhau như anh em thân thiết trong nhà.
Trước đó khi liên hệ với vợ ông Quang, phóng viên được biết, ngày bác sĩ Lương bị bắt tạm giam, mỗi khi có ai hỏi về bác sĩ, ông Quang lại khóc. Vì ông bị suy tim nên nhiều khi người nhà phải tránh để ông tiếp xúc với những thông tin về bác sĩ.
Với ông Lê Văn Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) cũng là cảm xúc vui mừng khó diễn tả thành lời của một người bệnh đã chạy thận nhân tạo 7 năm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, khi hay tin bác sĩ Lương được tại ngoại.
“Bác sĩ về rồi thì tốt quá, như vậy là không phụ lòng anh em bệnh nhân chúng tôi. Ai cũng mong bác sĩ về để lại tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân. Bác sĩ tốt, tận tình với người bệnh lắm, chúng tôi không ai chê trách bác sĩ điều gì. Với tôi, bác sĩ Lương là bác sĩ giỏi cả về tinh thần, trách nhiệm, nghề nghiệp và chuyên môn. Việc xảy ra ngày hôm đó chẳng qua chỉ là sự cố”, ông Tiến nói.
Hiện tại, ông Tiến cũng đang chạy thận ở bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Cũng như ông Quang, ông Tiến mong ngày đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện Đa khoa tỉnh hoạt động trở lại để ông được về đó chạy thận.
“Chúng tôi đang hẹn nhau đầu tuần sau tới thăm bác sĩ Lương. Còn thời điểm hiện tại chắc khó gặp vì bác sĩ đang mệt.
Lần trước, tất cả chúng tôi đều ký đơn kiến nghị xin cho bác sĩ Lương tại ngoại và hôm nay anh ấy đã được tại ngoại, nhiều người cũng đã nhắn tin chúc mừng bác sĩ”, ông Tiến chia sẻ thêm. Giống như ông Quang, ông Tiến cũng mang trong mình nhiều tâm sự khi có ai đó hỏi về giây phút chứng kiến những người chạy thận tử vong.
“7 năm qua, chúng tôi đều nằm cạnh nhau mỗi khi chạy thận nhân tạo, có rất nhiều chuyện vui buồn san sẻ cùng nhau. Hôm xảy ra sự cố, phòng tôi có 6 người chạy thận thì 4 người tử vong, họ nằm ngay cạnh tôi, thử hỏi không sốc, không buồn sao được. Nhưng cái gì qua hãy để nó qua đi”, sau lời nói ấy là tiếng thở dài của ông Tiến.
Nguyễn Huệ